Những người cho vay nặng lãi sử dụng các công cụ là hợp đồng giả tạo để chê đậy quan hệ cho vay (hợp đồng mua bán, ủy quyền, dịch vụ,…). Bằng cách đồng ý ký kết các hợp đồng giả tạo trên nhằm tiếp cận khoản vay một cách nhanh chóng, người đi vay rất khó để chứng minh giao dịch thực sự giữa các bên (cho vay) mà không phải quan hệ giao dịch khác các bên đã thỏa thuận trên văn bản, khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng khi giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán.
1. Thực trạng hành vi cho vay nặng lãi hiện nay
Hiện nay tình trạng xử lý các vụ án có liên quan đến việc cho vay nặng lãi được các cơ quan nhà nước tập trung gắt gao, bởi đây là các vụ án có ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh của của một địa phương hoặc quốc gia. Nắm bắt được tình huống này, nhiều “cá mập” cho vay nặng lãi đã chuyển hướng, sử dụng các hợp đồng giả cách nhằm che giấu hoạt động cho vay nặng lãi của bản thân. Và thậm chí khi cần thiết, người cho vay có thể phủ nhận sự tồn tại của quan hệ vay, sử dụng các phương án giải quyết tranh chấp như Trọng Tài hoặc Tòa án để yêu cầu bên đi vay phải thực hiện hợp đồng giả tạo.
Các hợp đồng trên được xây dựng với hệ thống các điều luật chặt chẽ, bảo vệ người cho vay nặng lãi và rất khó để chứng minh tính giả tạo của chúng. Các giao dịch này thường được che đậy bằng những hợp đồng giả tạo như mua bán, gia công, dịch vụ,… để qua mặt cơ quan chức năng trong trường hợp người đi vay tố cáo đến cơ quan chức năng.
2. Tình huống minh họa
Ví dụ: ông A cho ông B vay nặng lãi số tiền 500 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng. Biết rằng giao dịch cho vay trên sẽ bị tuyên bố vô hiệu và ông A có thể bị xử lý hình sự với hành vi cho vay nặng lãi, ông A đề nghị ông B ký hợp đồng mua bán chiếc xe hơi thuộc sở hữu của ông B với giá 500 triệu đồng (giá trị thực tế của chiếc xe tại thời điểm đó là hơn 1 tỷ). Sau một khoản thời gian không thể trả lãi, ông A khởi kiện ông B để yêu cầu chuyển giao chiếc xe hơi.
Trong trường hợp này, ông B cho rằng mình vay tiền ông A chứ không có bán chiếc xe của mình, tuy nhiên căn cứ trên các tài liệu hiện có trong đó có hợp đồng mua bán xe hơi thể hiện ông B có nghĩa vụ phải chuyển giao chiếc xe của mình cho ông A với giá chỉ bằng một nửa giá trị thực tế của chiếc xe. Việc chứng minh giao dịch của các bên là việc cho vay chứ không phải mua bán là rất khó khăn trong trường hợp này.
Để thay đổi mối quan hệ của vụ án, tại cơ quan xét xử ông B cần đưa ra các chứng cứ về việc mình đã thực hiện việc trả lãi (sao kê ngân hàng, xác nhận trả lãi,…) để có thể chứng minh giao dịch thực tế là việc cho vay chứ không phải mua bán xe hơi, đồng thời thực hiện giám định giá trị chiếc xe tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán nhằm xác định sự bất hợp lý giữa giá trị thực của chiếc xe và giá trị trên hợp đồng.
Bằng việc xem xét toàn bộ các chứng cứ kèm theo, ý chí của các bên và quá trình thực hiện hợp đồng, cơ quan xét xử có thể tuyên giao dịch/ hợp đồng mua bán xe là giả tạo theo Điều 124 Bộ Luật dân sự 2015 từ đó tuyên vô hiệu. Ngoài ra, nếu có đủ căn cứ để xác định có sự tồn tại của việc cho vay nặng lãi, cơ quan xét xử còn có thể tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xác định, giải quyết dấu hiệu hình sự của vụ việc trước khi tiếp tục xét xử.
Tuy nhiên, như đã đề cập, việc chứng minh giao dịch thực tế là quan hệ cho vay chứ không phải mua bán sẽ rất khó khăn do thiếu chứng cứ và bằng chứng thuyết phục, bởi hợp đồng mua bán là hợp đồng được hai bên ký kết và đồng ý, sự tồn tại của giao dịch này được thể hiện rõ ràng và không cần chứng minh đặc biệt là trong trường hợp được công chứng, chứng thực tại các tổ chức, văn phòng công chứng.
Trước khi tham gia vào các giao dịch và ký kết các hợp đồng trên, người đi vay cần tham khảo ý kiến của luật sư hoặc người am hiểu pháp luật để tránh tạo nên các hợp đồng giả cách nhưng vô cùng khó khăn khi chứng minh tính giả tạo, che giấu một giao dịch cho vay.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của một luật sư trong các vụ án liên quan đến hợp đồng giả tạo để chứng minh sự thật khách quan của vụ án cũng vô cùng quan trọng nếu bạn là bên đi vay.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.