1. Thực trạng hàng giả tại Việt Nam
Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống lại hàng giả. Sự phát triển trong nhận thức của người tiêu dùng và khả năng xử lý hàng giả của cơ quan chuyên trong trách trong những năm trở lại đây là không thể phủ nhận. Theo thống kê lũy kế chín tháng đầu năm 2020 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 138.374 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả (giảm 7,5 % so với cùng kỳ năm 2019).
Song, vì gốc rễ hàng giả đã ăn sâu và len lỏi đi khắp các ngóc ngách trong thị trường, cuộc chiến chống lại nó dường như đã trở nên vô tận. Thêm vào đó, sự phát triển của các kênh thương mại điện tử còn khiến cho tốc độ “lây lan” của hàng giả trở nên nhanh và khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Theo ước tính của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 2.000 tỷ USD trong tương lai, tương đương 3% GDP toàn cầu. Việt Nam, một thị trường béo bở của các con buôn hàng giả, chắc chắn không nằm ngoài danh sách này.
Trong các lĩnh vực, mỹ phẩm và dược phẩm là hai trong số các lĩnh vực thường có số lượng và khối lượng hàng giả nhiều nhất trên thị trường. Điều đáng nói hơn, đây lại là các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trên thực tế, rất nhiều người tiêu dùng đã bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài chính, thậm chí còn thiệt mạng vì sử dụng thuốc, mỹ phẩm và dược phẩm giả.
2. Nhận biết hàng giả
Theo quy định hiện hành, hàng giả được chia làm ba loại sau đây:
(i) Loại thứ nhất: Hàng hóa giả mạo về giá trị, công dụng hoặc có các chỉ tiêu chất lượng, đặc tính kỹ thuật tạo nên công dụng chính cho hàng hóa không đạt yêu cầu (từ 70% trở xuống).
(ii) Loại thứ hai: Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi thông tin giả mạo nhằm lừa gạt người tiêu dùng về: thông tin chủ thể sản xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa; mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
(iii) Loại thứ ba: Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả. Nghĩa là bản thân tem, nhãn và bao bì sử dụng cho hàng hóa giả cũng được xem là một loại hàng hóa giả. Thông tin về hàng hóa trên tem, nhãn, bao bì hàng hóa trong trường hợp này có thể là đúng nhưng các tem, nhãn, bao bì này không phải do tổ chức có quyền ghi thông tin, in ấn hoặc sử dụng. So với loại thứ hai, phát hiện tem, nhãn, bao bì bị làm giả khó khăn hơn vì kỹ thuật và phương tiện làm giả các đối tượng này đang trở nên ngày càng tinh vi.
Trên thực tế, khi tiến hành kiểm tra hoặc thanh tra hàng hóa có dấu hiệu nghi ngờ bị làm giả, các cơ quan chức năng thường yêu cầu đơn vị bị tình nghi xuất trình một, một số hoặc toàn bộ các tài liệu dưới đây. Tùy từng trường hợp mà đơn vị bị tình nghi sẽ được yêu cầu cung cấp các tài liệu tương ứng khác.
(i) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O);
(ii) Hợp đồng mua bán hàng hóa;
(iii) Hóa đơn chứng từ hợp lệ liên quan đến số lượng hoặc khối lượng hàng hóa bị tình nghi;
(iv) Chứng từ liên quan đến nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng thông thường, việc tiếp cận và kiểm tra các tài liệu trên là không thể. Do đó, các phương án thủ công phổ biến nhất dành cho người tiêu dùng là xem xét giá bán và địa điểm kinh doanh sản phẩm đó.
Về giá bán, hàng giả thường có giá bán rẻ hơn so với hàng thật gấp nhiều lần vì chi phí sản xuất hàng giả không quá đắt. Điều này đánh vào tâm lý thích dùng đồ tốt với giá rẻ của số đông người tiêu dùng. Do đó, khi phát hiện các sản phẩn có giá thấp hoặc đi kèm nhiều khuyến mãi bất thường, người tiêu dùng nên cân nhắc không mua và sử dụng các sản phẩm như vậy. Về địa điểm kinh doanh, người tiêu dùng nên lựa chọn những nơi uy tín trên thị trường. Đặc biệt là đối với các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe như dược và mỹ phẩm, người tiêu dùng nên hạn chế việc đặt mua thông qua các trang mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử vì rất khó truy xuất nguồn gốc.
3. Chế tài áp dụng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả
Theo quy định, đơn vị bị kết luận sản xuất, kinh doanh hàng giả thường phải đối mặt với các chế tài về hành chính và hình sự. Trong một số trường hợp, các đơn vị này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự nếu bị khởi kiện tại tòa án.
Hiện tại, mức phạt hành chính áp dụng cho hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả tối đa lên đến 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội hình sự, cá nhân còn có thể bị phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng. Riêng đối với các hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thực phẩm hay thuốc chữa bệnh, cá nhân có thể sẽ phải chịu mức án lên đến chung thân.
Đối với pháp nhân, mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả nói chung sẽ phải chịu phạt tiền lên đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Riêng đối với các hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thực phẩm hay thuốc chữa bệnh, mức phạt tiền sẽ lên đến 20 tỷ đồng.
4. Kết luận
Nhìn chung, chế tài xử phạt hành chính có thể còn chưa đủ nặng so với lợi nhuận khổng lồ từ thị trường hàng giả. Tuy nhiên, khó khăn thực sự lớn nhất trong cuộc chiến chống hàng giả đến từ khả năng nghiệp vụ và thủ tục giải quyết của cơ quan chức năng. Đối diện với sự gia tăng chóng mặt của hàng giả, các cơ quan nhà nước cần được trang bị nhiều hơn nữa về phương tiện và kỹ năng nghiệp vụ. Song song theo đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị tốt cho mình khả năng nhận diện hàng giả và thay đổi thói quen tiêu dùng của mình.