Bài viết này đưa ra phân tích về thủ tục xin dự án hoạt động phân phối cho Nhà đầu tư Trung Quốc thuộc trường hợp tổ chức thực hiện dự án đồng thời là nhà đầu tư thực hiện dự án hoạt động phân phối tại Việt Nam. Bối cảnh đặt ra khi Nhà đầu tư Trung Quốc đã thực hiện góp vốn mua cổ phần của tổ chức kinh tế trong nước và Nhà đầu tư muốn dùng chính tổ chức kinh tế này để thực hiện dự án đầu tư hoạt động phân phối tại Việt Nam.
1. Quy trình xin cấp dự án hoạt động phân phối cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam
- Xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư đối với dự án hoạt động phân phối
Việc thực hiện dự án đầu tư là một trong các hình thức đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật đầu tư hiện hành. Theo đó, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì khi thực hiện dự án đầu tư sẽ được áp dụng quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020.
Do đó, trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật đầu tư 2020.
Tùy từng loại quy mô dự án, nhà đầu tư phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền khác nhau như Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Mục 2 Luật đầu tư 2020. Sau khi nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 Luật đầu tư 2020.
Trường hợp dự án không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư tiến hành thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư 2020 và Điều 36 Nghị định 31/2020/ND-CP.
- Bổ sung ngành nghề phân phối trên Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp
Trường hợp ngành nghề kinh doanh của Công ty chưa đăng ký hoạt động ngành nghề phân phối thì tổ chức kinh tế cần thực hiện thêm thủ tục bổ sung ngành nghề phân phối trên Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp.
Tùy thuộc vào sản phẩm mà tổ chức kinh tế dự định phân phối trên thị trường mà ngành nghề đăng ký cũng có sự khác nhau. Ví dụ, việc phân phối dược phẩm sẽ yêu cầu các loại giấy phép và đăng ký khác so với việc phân phối mỹ phẩm. Mỗi loại sản phẩm đều có các yêu cầu pháp lý và tiêu chuẩn ngành riêng mà phải tuân thủ.
Do đó, việc cân nhắc kỹ lưỡng và đăng ký phù hợp với từng ngành nghề phân phối sản phẩm dự định là rất quan trọng. Điều này không chỉ đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn giúp hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ. Do đó, Tổ chức kinh tế thực hiện dự án nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý hoặc đơn vị tư vấn để có thể xác định ngành nghề phù hợp.
2. Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam
- Điều kiện về quốc tịch
Theo lộ trình gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO của Việt Nam, đối với quyền phân phối bán buôn, bán lẻ, hiện nay, Việt Nam đã chính thức mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà không có bất kỳ hạn chế nào về tỷ lệ vốn góp.
Trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện dự án đồng thời là Nhà đầu tư thực hiện dự án là công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam nhưng có Nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu từ 50% vốn điều lệ thì áp dụng quy định như đối với Nhà đầu tư nước ngoài.
Vì Trung Quốc là quốc gia đã gia nhập và trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (“WTO”). Cụ thể, Trung Quốc gia nhập WTO vào ngày 11 tháng 11 năm 2001 nên điều kiện về quốc tịch của chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông nước ngoài trong Nhà Đầu Tư đã được đáp ứng.
- Điều kiện về ngành nghề kinh doanh và mục tiêu hoạt động dự án
Đối với ngành nghề kinh doanh hoạt động quyền phân phối bán buôn, bán lẻ một số hàng hóa được phép trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, quyền phân phối bán buôn, bán lẻ là hoạt động thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là hoạt động mà Việt Nam, trong Biểu Cam kết về Thương mại Dịch vụ của Việt Nam trong WTO (“Biểu Cam kết WTO”), cam kết mở cửa cho tất cả các quốc gia cùng là thành viên, trong đó có Trung Quốc. Theo Biểu Cam kết WTO, đối với ngành dịch vụ phân phối (quyền phân phối bán buôn, bán lẻ), không hạn chế tỷ lệ góp vốn và tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, Nhà đầu tư Trung Quốc có thể đáp ứng điều kiện về quốc tịch để đăng ký thực hiện quyền phân phối bán buôn, bán lẻ theo quy định của pháp luật hiện hành thông qua hoạt động đầu tư thực hiện dự án phân phối tại Việt Nam.
- Điều kiện về hàng hóa được phân phối
Hàng hóa được phân phối cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Không thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 69/2018/ND-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương.
- Không thuộc danh mục các mặt hàng không được nhập khẩu và phân phối theo Phụ lục 01 của Thông tư 01/2018/TT-BCT quy định chi tiết về hàng hóa, mua bán trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân.
Trường hợp hàng hóa mà tổ chức kinh tế dự kiến phân phối thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép điều kiện quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định số 69/2018/ND-CP/NĐ-CP, tổ chức kinh tế cần đáp ứng thêm các điều kiện về giấy phép con như Giấy Phép Xuất Khẩu, Giấy Phép Nhập Khẩu, Giấy Phép Khảo Nghiệm, Công Bố Tiêu Chuẩn … theo quy định pháp luật trước khi thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam.
Như vậy, việc xin cấp dự án hoạt động phân phối cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ hàng hóa trên thị trường Việt Nam.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.