Hiện tại, Apolat Legal nhận được nhiều yêu cầu tư vấn liên quan đến các vấn đề pháp lý về khoản vay nước ngoài, đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn. Chúng tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp chưa hiểu rõ các quy định liên quan đến vay ngắn hạn nước ngoài, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Để hỗ trợ Quý Độc Giả hiểu thêm về các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, chúng tôi cung cấp các thông tin sau:
1. Mục đích sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 219/2013 thì vay nước ngoài là việc “việc Bên đi vay nhận khoản tín dụng từ Người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của Bên đi vay.
Theo định nghĩa tại Thông Tư 12/2014, khoản vay ngắn hạn nước ngoài là khoản vay nước ngoài có thời hạn vay đến 01 năm, định nghĩa này được giữ nguyên tại Thông Tư 08/2023.
Nhưng mục đích sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài đã được điều chỉnh tại Thông tư 08/2023 khác so với mục đích sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài được quy định tại Thông tư 12/2014, cụ thể:
Thông Tư 12/2014 | Thông tư 08/2023 |
|
|
Lưu ý: Vui lòng lưu ý rằng bên đi vay có trách nhiệm lưu trữ đầy đủ chứng từ, tài liệu, minh chứng việc sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với mục đích vay nước ngoài nêu trên, chứng từ tài liệu liên quan đến việc thay đổi bảng kê nhu cầu sử dụng vốn (nếu có) theo quy định Thông Tư 08/2023. Bên đi vay phải xuất trình đầy đủ các tài liệu nêu trên để phục vụ việc thanh tra, kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền.
2. Chế tài xử phạt đối với việc sử dụng Khoản Vay Ngắn Hạn Nước Ngoài không đúng mục đích
Hiện nay, các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính vi phạm liên quan đến sử dụng khoản vay nước ngoài và hoạt động ngoại hối được quy định tại Nghị Định 88/2019. Tuy nhiên, Nghị Định 88/2019 chưa quy định một cách rõ ràng và chi tiết về chế tài xử phạt đối với việc sử dụng khoản vay nước ngoài không đúng mục đích.
Xét về bản chất, việc sử dụng khoản vay nước ngoài không đúng mục đích là một trong các hành vi không tuân thủ các quy định về vay, trả nợ nước ngoài được quy định tại Thông Tư 12/2014 và Thông Tư 08/2023. Căn cứ Điều 3.3 (b) và Điều 23.7 (a) Nghị Định 88/2019, đối với hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, ngoại trừ các hành vi vi phạm liệt kê bên dưới, mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với cá nhân vi phạm là 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và đối với tổ chức vi phạm là 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng:
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục hành chính việc đăng ký khoản vay nước ngoài, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài;
- Không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản tại Việt Nam để thực hiện vay, trả nợ nước ngoài;
- Thực hiện việc rút vốn, trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;
Như vậy, Bên vi phạm quy định về sử dụng khoản vay nước ngoài không đúng mục đích có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, bao gồm hành vi sử dụng Khoản Vay Nước Ngoài không đúng mục đích.
3. Thời hiệu xử lý vi phạm đối với các hành vi sử dụng Khoản Vay Ngắn Hạn Nước Ngoài không đúng mục đích
Đối chiếu Nghị Định 88/2019, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đều có thể bị cơ quan nhà nước áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị Định này để xử phạt, mà không phân biệt hành vi vi phạm đang thực hiện hoặc đã kết thúc.
Căn cứ Luật Xử Lý Vi Phạm Hành Chính, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 01 năm đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
- Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc, thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.
- Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện, thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện ra vi phạm. Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
4. Khi nào cần đang ký khoản vay nước ngoài đối với khoản vay ngắn hạn
Các khoản vay ngắn hạn nước ngoài sau đây phải thực hiện đăng ký với Ngân Hàng Nhà Nước:
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm;
- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
5. Mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài đối với khoản vay ngắn hạn nước ngoài
Đối với doanh nghiệp không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Bên đi vay sẽ phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài, tài khoản vay trả, trả nợ nước ngoài là tài khoản thanh toán, do bên đi vay mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản, để rút vốn và trả nợ khoản vay nước ngoài. Bên đi vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài này (riêng biệt với tài khoản thanh toán của công ty) tại ngân hàng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc và lãi).
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì sẽ đối với khoản vay ngắn hạn nước ngoài: bên đi vay có thể sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp theo quy định tại điểm a khoản này hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác (không phải là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp) để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến khoản vay nước ngoài. Mỗi khoản vay theo quy định tại khoản này chỉ được thực hiện thông qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay ngắn hạn nước ngoài. Nội dung thu, chi của tài khoản này được quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022.
6. Báo cáo sai số liệu trong các báo cáo định kỳ nộp cho Ngân Hàng Nhà Nước thì bên đi vay bị xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 41 Thông Tư 12/2022, NHNN Chi Nhánh có trách nhiệm kiểm tra các số liệu báo cáo trong vòng 10 ngày kể từ ngày Bên đi vay nộp báo cáo định kỳ và thông báo cho Bên đi vay về các số liệu sai sót để Bên đi vay điều chỉnh các số liệu đó. Đồng thời, Bên đi vay cũng có trách nhiệm nộp lại báo cáo với số liệu sai sót đã khắc phục trong vòng 03 ngày kể từ ngày phát hiện ra sai sót và thông báo cho NHNN Chi Nhánh để kiểm duyệt.
Nếu Bên đi vay có hành vi nộp báo cáo với số liệu báo cáo không chính xác từ 02 lần trở lên trong năm tài chính, Bên đi vay có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể có thể áp dụng nguyên tắc xử phạt vi phạm hành tương tự như hành vi sử dụng sai mục đích Khoản Vay Ngắn Hạn Nước Ngoài như nêu tại trên. Trường hợp, Bên đi vay chủ động phát hiện và khắc phục số liệu sai sót có thể được xem là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 9 Luật Xử Lý Vi Phạm Hành Chính 2012.
7. Nếu Bên đi vay thay đổi kế hoạch trả nợ đối với Khoản Vay Ngắn Hạn Nước Ngoài so với kế hoạch đã kê khai trong các báo cáo định kỳ, Bên đi vay sẽ bị xử lý như thế nào đối với hành vi vi phạm này
Đối chiếu Phụ lục 5 – Mẫu báo cáo tình hình thực hiện vay, trả nợ nước ngoài ngắn hạn, đính kèm Thông Tư 12/2022, Bên đi vay có nghĩa vụ báo cáo số liệu liên quan đến kế hoạch rút vốn, trả nợ gốc, lãi kỳ tiếp theo. Hiện tại, quy định pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, không quy định chi tiết việc Bên đi vay có được phép thay đổi hoặc thông báo điều chỉnh kế hoạch trả nợ so với số liệu đã ghi nhận tại báo cáo kỳ trước hay không.
Tuy nhiên, nếu xét bản chất, Bên đi vay có trách nhiệm tuân thủ kế hoạch trả nợ đã báo cáo và kê khai đúng các thông tin, số liệu ghi nhận trong các báo cáo định kỳ. Nếu báo cáo đã nộp có số liệu sai sót, Bên vay phải thực hiện điều chỉnh theo yêu cầu của Ngân Hàng Nhà Nước Chi Nhánh hoặc chủ động phát hiện sai sót và tự nguyện điều chỉnh, tùy từng trường hợp.
Nếu Bên đi vay thay đổi kế hoạch trả nợ so với kế hoạch đã nộp tại các báo cáo định kỳ, hành vi này có thể bị xem là nộp báo cáo sai thông tin. Vì vậy, Bên đi vay có thể bị xử phạt theo quy định tại từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng nếu số liệu báo cáo không chính xác từ 02 lần trở lên trong năm tài chính.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi đối với các trường hợp tương tự, hiện tại cơ quan có thẩm quyền chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo với số liệu không chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi không có cơ sở xác định trong tương lai liệu rằng cơ quan có thẩm quyền có xử phạt vi phạm đối với hành vi này hay không. Do đó, chúng tôi khuyến nghị Bên đi vay nên lưu ý nộp báo cáo với số liệu chính xác và tuân thủ kế hoạch trả nợ đã báo cáo, tránh trường hợp sai sót nhiều lần.
Bài viết liên quan:
1/ Hướng dẫn chi tiết đăng ký khoản vay nước ngoài trực tuyến
2/ Không Đăng Ký Khoản Vay Nước Ngoài Có Bị Phạt Không?
3/ Những lưu ý khi đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.