Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ quan trọng và không thể thiếu đối với nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến người đi làm. Để đáp ứng nhu cầu này, các trung tâm ngoại ngữ ra đời và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động hợp pháp và tuân thủ quy định, các trung tâm cần phải xin cấp giấy phép theo đúng quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quy trình xin cấp giấy phép thành lập trung tâm ngoại ngữ, hỗ trợ các cá nhân và tổ chức có kế hoạch thành lập trung tâm nắm bắt rõ các bước cần thực hiện.
I. ĐIỀU KIỆN XIN CẤP PHÉP THÀNH LẬP
1. Điều kiện chung về việc thành lập trung tâm ngoại ngữ[1]
- Có địa điểm, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm;
- Có chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của từng chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm.
2. Điều kiện về nguồn nhân lực
2.1. Yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên[2]
Giáo viên đủ điều kiện đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
- Đối với giáo viên là người Việt Nam
- Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên;
- Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
- Đối với giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ cụ thể: Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
- Đối với Giáo viên là người nước ngoài
- Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên;
- Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp;
- Có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
2.2. Yêu cầu đối với Giám đốc trung tâm ngoại ngữ[3]
Giám đốc trung tâm ngoại ngữ là người trực tiếp quản lý, Điều hành tổ chức, bộ máy và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý cấp trên về mọi hoạt động của trung tâm. Giám đốc trung tâm phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có nhân thân tốt;
- Có năng lực quản lý;
- Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (đối với giám đốc trung tâm ngoại ngữ).Một số lưu ý khi thành lập trung tâm ngoại ngữ
3. Lưu ý về tên của trung tâm ngoại ngữ[4]
- Đặt theo nguyên tắc sau: Trung tâm ngoại ngữ + tên riêng và tên riêng của trung tâm không được trùng với tên riêng của trung tâm đã thành lập trước đó; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;
- Phải có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác với nội dung tương đương tên giao dịch bằng tiếng Việt.
II. QUY TRÌNH XIN CẤP PHÉP THÀNH LẬP TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ[5]
Theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/11/2024, quy trình xin giấy phép thành lập trung tâm ngoại ngữ đã được rút gọn và tiết kiệm hơn về thời gian. Theo đó, quy trình xin giấy phép thành lập như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin giấy phép thành lập trung tâm ngoại ngữ theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 125/2024/NĐ-CP
Bước 2: Nộp hồ sơ thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Sở Giáo dục và Đào tạo
Bước 3: Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét và tiếp nhận/yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc
Bước 4: Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định và kiểm tra hồ sơ trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ
Bước 5: Sau 5 ngày làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định cho phép thành lập trung tâm nếu đủ điều kiện hoặc thông báo lý do từ chối.
Việc nắm rõ các điều kiện và quy trình thủ tục xin cấp phép thành lập trung tâm ngoại ngữ không chỉ giúp các cá nhân, tổ chức chuẩn bị tốt hơn mà còn đảm bảo hoạt động của trung tâm tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững. Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích, hỗ trợ quá trình chuẩn bị và triển khai kế hoạch một cách hiệu quả. Chúc các cá nhân và tổ chức sớm hiện thực hóa thành công ý tưởng thành lập trung tâm ngoại ngữ của mình, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao trình độ ngoại ngữ ngày càng tăng trong xã hội hiện đại.
[1] Điều 43 Nghị định 125/2024 NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động lĩnh vực giáo dục
[2] Điều 18 Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học ban hành kèm theo Thông tư 21/2018.TT-BGDĐT
[3] Điều 6 Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học ban hành kèm theo Thông tư 21/2018.TT-BGDĐT
[4] Điều 4 Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học ban hành kèm theo Thông tư 21/2018.TT-BGDĐT
[5] Khoản 3 Điều 44 Nghị định 125/2024 NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động lĩnh vực giáo dục
Bài viết liên quan:
1/ Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp
2/ Điều kiện và thủ tục cấp phép trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội
3/ Xin cấp giấy phép con đối với hoạt động kinh doanh hoá chất
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.