Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo. Tuy nhiên, để triển khai hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện pháp lý nhất định. Trong bài viết dưới đây, Apolat Legal sẽ phân tích các quy định mà nhà đầu tư nước ngoài cần tuân thủ khi kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.
1. Điều kiện về hình thức đầu tư kinh doanh dịch vụ quảng cáo và tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài
Theo Biểu cam kết dịch vụ của WTO (“Biểu Cam Kết WTO”), dịch vụ quảng cáo (CPC 871, trừ dịch vụ quảng cáo thuốc lá) là ngành dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết. Tuy nhiên, đây là ngành nghề có điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với Nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ quảng cáo dưới hai hình thức sau:
Hình thức thứ nhất: Thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam và không hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong liên doanh.
Theo đó, Liên doanh là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam.
Hình thức thứ hai: Tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Theo đó, Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC – Business Cooperation Contract) là hình thức hợp tác giữa nhà đầu tư nước ngoài và đối tác Việt Nam mà không thành lập pháp nhân mới. Theo đó, để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài buộc phải tham gia và ký kết với đối tác là nhà đầu tư Việt Nam đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Có thể thấy, mức vốn tối đa mà dự án BCC này có thể thiết lập không thể 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, có thể thấy, theo Biểu cam kết WTO, Nhà đầu tư nước ngoài thuộc các quốc gia thành viên WTO không được thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. Quy định này cũng được pháp luật Việt Nam cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 40 Luật Quảng cáo 2012 như sau: “1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Có thể thấy, quy định này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hạn chế sự kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành quảng cáo nội địa. Hơn nữa, ngành quảng cáo có liên quan đến văn hóa, truyền thông và định hướng dư luận, nên Nhà nước muốn kiểm soát chặt chẽ, tránh sự chi phối hoàn toàn của doanh nghiệp nước ngoài, và hạn chế các thông điệp trái với thuần phong mỹ tục, lợi ích kinh tế – xã hội và an ninh quốc gia.
2. Điều kiện về giấy phép và thủ tục đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hai hình thức trên cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập liên doanh hoặc ký hợp đồng BCC theo quy định tại khoản 2 Điều 27 và Điều 22 Luật đầu tư 2020.
Vui lòng tham khảo bài viết liên quan về việc xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại : https://apolatlegal.com/vi/blog/giay-chung-nhan-dang-ky-dau-tu/
3. Điều kiện về phạm vi hoạt động quảng cáo
Sau khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hoàn tất việc đăng ký mã ngành quảng cáo (VISC 7310) cho doanh nghiệp liên doanh hoặc việc hợp tác thông qua hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài được phép tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo yêu cầu, điều kiện theo quy định của Luật Quảng cáo liên quan đến các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo và hoạt động quảng cáo các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định tại Điều 7 và Điều 20 Luật Quảng cáo 2012.
Nhìn chung, Việt Nam là một thị trường tiềm năng nhưng cũng có những rào cản pháp lý nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo. Việc tuân thủ các điều kiện về hình thức đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn, giấy phép và phạm vi hoạt động là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời có chiến lược hợp tác phù hợp với đối tác Việt Nam để tối ưu hóa cơ hội đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này.
Bài viết liên quan:
1/ Thủ tục xin cấp tên định danh sử dụng phục vụ hoạt động quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi
2/ Khung pháp lý cần lưu khi đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thuốc
3/ Những Lưu Ý Về Vấn Đề Bản Quyền Và Sử Dụng Hình Ảnh Cá Nhân Đối Với Sản Phẩm Quảng Cáo
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.