Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên[1]. Hầu hết quốc gia khác trên thế giới, “sáng chế” được mô tả là một giải pháp cho một vấn đề kỹ thuật. Vấn đề kỹ thuật có thể là cũ hay mới, nhưng một giải pháp muốn đủ điều kiện gọi là sáng chế phải có tính mới. Khác với phát minh (tìm ra những điều tồn tại trong tự nhiên), sáng chế phải có sự tham gia, can thiệp từ con người. Vậy một sáng chế phải đáp ứng điều kiện gì để được cấp bằng độc quyền sáng chế?
1. Sáng chế thuộc đối tượng có khả năng bảo hộ
Không phải tất cả các sáng chế đều có khả năng được bảo hộ. Để được bảo hộ, sáng chế phải thuộc đối tượng có khả năng bảo hộ. Tùy theo pháp luật mỗi quốc gia, các đối tượng bảo hộ sáng chế có thể khác nhau. Theo pháp luật Việt Nam, các đối tượng sau đây sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa là một sáng chế: Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học; Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính; Cách thức thể hiện thông tin; Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ; Giống thực vật, giống động vật; Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh; Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
2. Sáng chế có Tính mới
Một sáng chế được xem là “mới” hay “có tính mới” nếu sáng chế có sự khác biệt với các giải pháp kỹ thuật trước đó, có nghĩa sáng chế chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng nào, mô tả bằng văn bản nào. Tuy nhiên, sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.
Ngoài ra, sáng chế đã được bộc lộ công khai nhưng không bị coi mất tính mới trong trường hợp người có quyền đăng ký bảo hộ sáng chế hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày bộc lộ.[2]
Việc tra cứu tính mới của sáng chế rất quan trọng trước khi nộp đơn đăng ký vì việc tra cứu sẽ giúp bạn biết được sáng chế của bạn có tính mới hay không, từ đó cho thấy sáng chế của bạn có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế hay không.
Xem thêm: Độc quyền vaccine Covid-19 thuộc về ai?
3. Sáng chế có Trình độ sáng tạo
Sáng chế được coi là có “trình độ sáng tạo” nếu sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng (không hiển nhiên) so với các giải pháp kỹ thuật đã biết. Đây là một điều kiện khó giải thích, khó áp dụng và mang tính chủ quan của thẩm định viện trong quá trình thẩm định sáng chế. Trong trường hợp giải pháp không đáp ứng đủ trình độ sáng tạo để bảo hộ sáng chế, giải pháp này cũng có thể được bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích.
4. Sáng chế có Khả năng áp dụng công nghiệp
Sáng chế được bảo hộ độc quyền phải có khả năng được chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định. Nghĩa là sáng chế phải mang hình dạng thực tế của một dụng cụ, thiết bị, một sản phẩm, nguyên liệu hay chất liệu mới hoặc một quy trình, phương pháp vận hành cụ thể và mang lại kết quả ổn định.
Một sáng chế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên để được cấp văn bằng độc quyền. Đăng ký bảo hộ sáng chế không phải luôn là giải pháp đúng đắn đối với doanh nghiệp. Việc chưa nắm rõ `các điều kiện và quy định về đăng ký bảo hộ sáng chế có khả năng làm mất tính mới của sáng chế, tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh lợi dụng sáng chế. Do đó, doanh nghiệp cần tham vấn ý kiến của các tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp trước khi thực hiện bộc lộ công khai, đăng ký bảo hộ sáng chế để đảm bảo quyền lợi tốt nhất.
[1] Điều 4.12 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009
[2] Điều 2.2 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.