Kiểu dáng công nghiệp – với tư cách là một đối tượng sở hữu công nghiệp, là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm là yếu tố tạo rạ sự cuốn hút đối với khách hàng, góp phần quan trọng đối với sự thành công của sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp đẹp, bắt mắt có thể là một yếu tố khi khách hàng quyết định lựa chọn sản phẩm. Chính vì vậy, kiểu dáng công nghiệp là tài sản của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ và khai thác tài sản của mình, một trong những biện pháp đó là thực hiện đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Xem thêm: Biện pháp đăng ký trong Quản trị tài sản sở hữu trí tuệ tại doanh nghiệp
Tuy nhiên, không phải tất cả các kiểu dáng công nghiệp đều được bảo hộ, một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như sau:
1. Đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp bao gồm (i) hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có; (ii) hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp; (ii) hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Ví dụ: thiết kế hình xoắn ống của các ốc dùng trong xây dựng không phải đối tượng được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
2. Tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghiệp
Tương tự như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Để đáp ứng điều kiện về tính mới, việc giữ bí mật kiểu dáng công nghiệp của mình là một việc cực kỳ quan trọng. Một kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai, ví dụ như đăng tải trên website công ty, quảng cáo trên catalog hoặc tài liệu tiếp thị cũng được coi là “mất tính mới”. Quy định pháp luật Việt Nam cho phép “ân hạn” về tính mới đó là nếu người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức; hoặc công bố dưới dạng báo cáo khoa học; hoặc bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký thì kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố. Tuy nhiên, việc chứng minh trong trường hợp này có thể gặp nhiều khó khăn, do đó, người có quyền đăng ký cần lưu ý giữ bí mật kiểu dáng công nghiệp cho đến khi nộp đơn đăng ký.
Liên quan đến tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp không được coi là có tính sáng tạo nếu được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng như kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết, kiểu dáng công nghiệp đơn thuần là hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở trong và ngoài nước, kiểu dáng công nghiệp là sự mô phỏng đã được biết đến rộng rãi như đồ chơi mô phỏng ô tô….)
Ngoài ra, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải có khả năng áp dụng công nghiệp, có nghĩa là kiểu dáng công nghiệp có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thị thành công sản phẩm của công ty, là một nhân tố quan trọng trong bộ thương hiệu nhận diện của công ty. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cần được xem xét như là nhân tố quan trọng trong chiếc lược marketing và phát triển thị phần của công ty.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.