Việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng được phổ biến, được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng. Trong số các sản phẩm, sản phẩm túi vải không dệt có thành phần từ Polypropylene có thể được xem là một sản phẩm thông dụng, thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Với các đơn vị là nhà sản xuất hay nhà phân phối sản phẩm, đối với loại sản phẩm túi vải không dệt, theo quy định hiện hành phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy để đảm bảo đáp ứng điều kiện được lưu hành tại thị trường. Bài viết này sẽ phân tích quy định pháp luật hiện hành để doanh nghiệp có thể tìm hiểu về điều kiện lưu hành sản phẩm.
1. Đánh giá túi vải không dệt có thành phần từ nhựa Polypropylene
Theo TCVN 10042 : 2013 ISO 9092 : 2011, quy định về thuật ngữ và định nghĩa vải không dệt, vải không dệt được quy định là các cấu trúc của vật liệu dệt, như xơ, sợi filament liên tục, hoặc các sợi đứt đoạn có bản chất hoặc nguồn gốc bất kỳ, được tạo thành dạng tấm vải bằng phương pháp nào đó, và được gắn kết với nhau bằng phương pháp nào đó, ngoại trừ trường hợp đan, dệt sợi như vải dệt kim, vải dệt thoi, đăng ten, vải tết hoặc vải dệt nổi nhung. Trong đó, các cấu trúc màng và giấy không được coi là vải không dệt.
Theo quy định nêu trên, trừ trường hợp đan, dệt sợi như vải dệt kim, vải dệt thoi, v.v thì vải không dệt có phương pháp được tạo ra rộng hơn so với các phương thức dệt vải còn lại. Trong đó, túi vải có thành phần từ nhựa Polypropylene, sau đó qua quá trình chế tạo, sản phẩm được gắn kết với nhau và tạo thành dạng tấm vải. Do đó, sản phẩm túi vải của có cơ sở được xác định là vải không dệt.
2. Quy định về trách nhiệm thực hiện thủ tục công bố hợp quy
Theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng, người sản xuất có trách nhiệm công bố sự phù hợp thông qua việc thông báo sản sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn (công bố hợp chuẩn) hoặc phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (công bố hợp quy) theo Điều 24.1 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007. Việc công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thật.
Đối với sản phẩm dệt, quy định hiện hành có quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo, cụ thể là QCVN 01: 2017/BCT được ban hành đính kèm với Thông tư 21/2017/TT-BCT 21/2017/TT-BCT (“Quy Chuẩn”). Trong đó:
- Điều 1.1.1 – Phạm vi điều chỉnh, danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của Quy Chuẩn được quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy chuẩn. Đối chiếu các sản phẩm được liệt kê tại Phụ lục I, sản phẩm túi vải không dệt có thể tương ứng với hàng hóa có “Mã hàng: 5603 – Mô tả hàng hóa: “Các sản phẩm không dệt, đã hoặc chưa ngâm tẩm, tráng phủ hoặc ép lớp thu” được quy định tại Phụ lục I.
- Điều 1.3.2 “Vật liệu dệt là các loại xơ, sợi tự nhiên hoặc nhân tạo.”
- Điều 1.3.3 “Sản phẩm dệt may: là sản phẩm có nguồn gốc từ vật liệu dệt đã qua các công đoạn gia công (sợi, vải dệt thoi, vải dệt kim, vải không dệt, vải tráng phủ, vải giả da tổng hợp, các sản phẩm sản xuất từ sản phẩm nêu trên tùy thuộc vào mục đích sử dụng) hoặc là sản phẩm dệt may có cùng nguyên liệu, kiểu dệt, quy trình xử lý hoàn tất và được sản xuất tại cùng một cơ sở.”
Theo đó, sản phẩm túi vải cần tuân thủ và đáp ứng các điều kiện tại Quy Chuẩn. Theo Điều 3.1 Quy Chuẩn quy định về quản lý đối với hàng hóa, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện:
- được công bố hợp quy phù hợp với quy định tại Quy chuẩn này; và
- gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo các quy định pháp luật.
3. Trách nhiệm của bên là nhà sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp có thể đóng một hoặc nhiều vai trò, cụ thể nhà sản xuất, nhà phân phối (mua sản phẩm từ nhà sản xuất và bán lại cho người tiêu dùng, v.v), nhà nhập khẩu. Luậ chất lượng sản phẩm, hàng hóa có quy định về nhiều chủ thể khác nhau, mỗi chủ thể sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Trong phạm vi của bài viết này, bài viết đề cập đến 02 chủ thể phổ biến, gồm nhà sản xuất và đơn vị kinh doanh sản phẩm (hay còn gọi là người bán).
3.1 Trách nhiệm của nhà sản xuất:
Theo Điều 10 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Nhà sản xuất phải thực hiện một số nghĩa vụ như sau:
- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường theo quy định tại Điều 28 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
- Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
- Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng.
- Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Nhà sản xuất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại Điều 19.3.a Nghị Định 119/2017/NĐ-CP. Theo đó, nhà sản xuất có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi để tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 19 Nghị Định 119/2017/NĐ-CP.
3.2 Trách nhiệm của người bán:
Theo Điều 16 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, người bán phải thực hiện một số nghĩa vụ như sau:
- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.
- Kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa.
- Kịp thời dừng bán hàng, thông tin cho người sản xuất, người nhập khẩu và người mua khi phát hiện hàng hóa gây mất an toàn hoặc hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Hợp tác với người sản xuất, người nhập khẩu thu hồi, xử lý hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trường hợp cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra và phát hiện sản phẩm không đáp ứng điều kiện về chất lượng, người bán có thể bị cơ quan nhà nước yêu cầu tạm dừng bán hàng và phải báo cáo với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để xử lý theo thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ. Đồng thời, người bán có trách nhiệm liên hệ với người sản xuất để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa đối với sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các biện pháp quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định tại Điều 40 Luật chất lượng, sản phẩm hàng hóa 2007.
Như đã phân tích tại Mục 2, nhà sản xuất có trách nhiệm công bố sự phù hợp của hàng hóa. Tuy nhiên, với tư cách là người bán hàng, bên bán có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa. Việc bán hàng hóa chưa đáp ứng về đảm bảo chất lượng dẫn đến có thể bị xử lý vi phạm hành chính do hành vi bán hàng hóa phải có dấu hợp quy nhưng không có dấu hợp quy, dấu hợp quy không đúng quy định theo Điều 20.4 và Điều 3.2 Nghị định 119/2017/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (“Nghị Định 19/2017/NĐ-CP). Mức phạt tiền là 2.000.000 VNĐ đến 5.000.000 VNĐ.
Bài viết liên quan:
1/ Nội dung cần tuân thủ theo QCVN 20-1:2024/BYT cho nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.