Có nên vừa chọn trọng tài vừa chọn toà án để giải quyết tranh chấp

Trong giao dịch kinh doanh thương mại, các bên thường lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài hoặc Toà án. Hiện nay, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài đang được lựa chọn ngày càng nhiều hơn vì những ưu điểm nổi trội. Tuy nhiên, ưu hay nhược điểm của mỗi phương thức giải quyết tranh chấp còn phải xem xét dưới góc nhìn của mỗi bên trong quan hệ tranh chấp.  

1. So sánh phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và Toà án

  • Giống nhau: Phán quyết Trọng tài và Bản án của Toà án đều có giá trị pháp lý ràng buộc, các bên phải thi hành nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành bởi Cơ quan Thi hành án.
  • Khác nhau: 
Vấn đề  Toà Án 

 

Trọng Tài 
Chi phí tố tụng  Án phí/tạm ứng án phí Toà án thấp hơn so với phí Trọng tài. Cơ quan Thi hành án sẽ hoàn trả tạm ứng án phí cho bên thắng kiện theo Bản án của Toà án. Không có rủi ro không thu hồi được tạm ứng án phí khi thắng kiện. 

 

Tuy nhiên, vì Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực nên có thể kéo dài lên Phúc thẩm, Giám đốc thẩm/Tái thẩm… dẫn đến việc tổng chi phí tố tụng Toà án có thể tăng lên nhiều lần (bao gồm chi phí luật sư, chi phí cơ hội, chi phí khác,…) và cao hơn tổng chi phí tố tụng Trọng tài. 

 

Phí Trọng tài thường cao hơn nhiều lần so với Án phí. Việc chi trả phí trọng tài theo phán quyết của Trọng tài thì bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện. Trong trường hợp bên thua kiện là Bị đơn mất khả năng thanh toán thì bên thắng kiện là Nguyên đơn sẽ không thu hồi được khoản phí này.  

 

Cấp xét xử  Có nhiều cấp xét xử: Sơ thẩm, Phúc thẩm, Giám đốc thẩm/Tái thẩm 

 

Rất nhiều các vụ án bị kéo dài qua nhiều cấp. 

 

Chỉ xét xử 1 lần và phán quyết Trọng tài có giá trị chung thẩm thi hành ngay mà không bị kháng cáo kháng nghị. 
Thời gian giải quyết tranh chấp  Cấp sơ thẩm: 04-06 tháng 

Cấp phúc thẩm: 04-05 tháng 

Tạm đình chỉ không thời hạn 

Giám đốc thẩm/Tái thẩm: 04 tháng 

Thời gian thực tiễn thường kéo dài hơn quy định, có thể vài năm một vụ án chưa được giải quyết xong. 

 

Thông thường là 03-04 tháng, có thể kéo dài hơn nhưng cũng rất ngắn so với thời gian tố tụng Toà án. Trọng tài luôn xem thời gian giải quyết tranh chấp nhanh là ưu tiên hàng đầu vì vậy rất linh hoạt xử lý để rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp. 
Nguyên tắc bảo mật  Toà án xét xử công khai, ngoài ra còn công bố Bản án trên website của Toà án. Do đó, có thể ảnh hưởng tới bí mật và uy tín của doanh nghiệp. 

 

Trọng tài xét xử không công khai và bảo mật hồ sơ cũng như Phán quyết. 
Huỷ án  Nhiều lý do để Bán án bị huỷ như không đúng về nội dung, sai về tố tụng, không áp dụng đúng pháp luật… 

 

Bản án Sơ thẩm có thể bị huỷ bởi Phúc thẩm, Phúc thẩm có thể bị huỷ bởi Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm và xử lại vẫn có thể bị huỷ.  

 

Chỉ hủy Phán quyết Trọng tài khi sai về mặt tố tụng. 

 

Tuy nhiên, khi Phán quyết Trọng tài bị huỷ thì vụ việc sẽ do Toà án giải quyết nếu các bên không có thoả thuận tiếp tục giải quyết bằng Trọng tài. 

Địa điểm giải quyết tranh chấp  Theo địa chỉ của Bị đơn và có thể là địa chỉ Nguyên đơn nếu các bên thoả thuận. Xét xử trực tiếp. 

 

Theo thoả thuận của các bên, linh động xử trực tiếp hoặc online do đó tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí đi lại. 
Ngôn ngữ xét xử  Tiếng Việt 

 

Tất cả các tài liệu tố tụng phải được dịch sang Tiếng Việt. 

 

Các bên được lựa chọn ngôn ngữ với tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Tránh những tình huống cách hiểu không thống nhất về bản dịch. 

  

Áp dụng khẩn cấp tạm thời  Toà án và Trọng tài đều có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đảm bảo thi hành án như cấm chuyển dịch tài sản, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp… Tuy nhiên, trên thực tiễn thì Toà án dễ dàng áp dụng khẩn cấp tạm thời hơn. Các văn bản của Toà án yêu cầu các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… cung cấp thông tin sẽ được phản hồi trong khi Trọng tài thường không có sức mạnh quyền lực nhà nước đó. 

 

2. Có nên vừa chọn Trọng tài và vừa chọn Toà án giải quyết tranh chấp 

Vì những đặc tính khác biệt trên, dễ hiểu khi thông thường Bên bị vi phạm mong muốn Trọng tài để nhanh chóng giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ trong thời gian ngắn nhất. Trong khi Bên vi phạm có mong muốn kéo dài vụ việc, chậm thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ lựa chọn Toà án. Có những vụ việc, bởi Nguyên đơn quá mệt mỏi khi Bản án bị huỷ nhiều lần, thời gian kéo dài và thiệt hại ngày càng nhiều hơn đã buộc phải ngồi xuống nhượng bộ để hoà giải nhằm giảm thiểu các thiệt hại lớn hơn do đánh mất các cơ hội kinh doanh khác. 

Có thể nói ưu điểm lớn nhất của phương thức tranh chấp bằng Toà án so với Trọng tài là Toà án có sức mạnh của quyền lực nhà nước. Trên thực tế, một công văn của Trọng tài yêu cầu cung cấp thông tin gửi tới các cơ quan nhà nước hoặc ngân hàng sẽ khó có được sự phản hồi trong khi ít cơ quan nào từ chối yêu cầu của Toà án. Đặc biệt, lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án sẽ mặc nhiên được thi hành nhưng ngược lại dù luật định nhưng ít khi nào Trọng tài ra lệnh pháp dụng khẩn cấp tạm thời hoặc nếu có cũng ít được áp dụng trên thực tế. Vì vậy trong một vụ tranh chấp, dấu hiệu tẩu tán tài sản của Bên vi phạm rõ ràng thì Bên bị vi phạm rất cần Tòa án để thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hoặc tương tự với vụ việc mà Bên bị vi phạm không thể thu thập chứng cứ. 

Trong một giao dịch không ai có thể biết trước được mình sẽ là Bên vi phạm hay Bên bị vi phạm, không ai biết khi xảy ra tranh chấp mình nằm ở vị thế nào để ra quyết định lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cho phù hợp. Bởi lẽ đó khi giao kết hợp đồng, các bên sẽ ưu ái hơn cho một phương thức có nhiều ưu điểm hơn là Trọng tài vì niềm tin mình là bên tuân thủ hợp đồng. Nhưng khi đã lựa chọn Trọng tài thì Toà án sẽ từ chối giải quyết và các bên chỉ có thể tranh chấp bằng Trọng tài. 

Trên thực tế, có nhiều hợp đồng mà các bên trong đó vừa lựa chọn cả Trọng tài và Toà án để giải quyết tranh chấp. Có nhiều vụ việc là sự thiếu hiểu biết, sai sót trong quá trình giao kết hợp đồng. Nhưng cũng có thể nhiều vụ việc là do chủ ý của các bên hoặc một bên trong việc lựa chọn của mình. Có thể hậu quả của việc lựa chọn cả Trọng tài và Toà án trước hết là các bên sẽ tranh chấp về cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc xác định thẩm quyền thuộc về cơ quan nào sẽ đưa cho bên lựa chọn cơ quan đó một vị thế tốt hơn. 

Điều 2, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán có đưa ra cách xử lý nếu các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án cụ thể:  

4. Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau: 

a) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.

b) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung. 

Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện. 

Như vậy theo Điều 2.4.a, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP sẽ phát sinh các tình huống sau: 

  • Người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Toà án thì thẩm quyền thuộc về Trọng tài.
  • Người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Trọng tài nhưng Toà án chưa thụ lý thì thẩm quyền thuộc về Trọng tài. 
  • Người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp và Toá án đã thụ lý thì thẩm quyền thuộc Toà án dù sau đó có lựa chọn Trọng tài.
  • Người khởi kiện yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài giải quyết tranh chấp mà không yêu cầu cơ quan kia giải quyết thì thẩm quyền thuộc cơ quan được yêu cầu.

Thông thường ít khi nào một bên lại đi khởi kiện tại hai cơ quan giải quyết tranh chấp khác nhau, nên trường hợp người khởi kiện ở đây được xem là người nộp đơn khởi kiện có thể là Bên vi phạm hoặc Bên bị vi phạm tại Trọng tài hoặc Toà án. Như tại Điều 2.4.b, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP quy định trường hợp người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp thì Toà án phải xác định một trong các bên (gồm người khởi kiện và người bị kiện) đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp hay chưa. Theo đó, khi phát sinh tranh chấp, nếu một bên chủ định lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, họ sẽ là người khởi kiện trước, lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp và chủ động hơn để đạt được mục đích của mình tức có thể là người bị kiện tại Trọng tài nhưng lại là người người kiện tại Toà án và ngược lại.  

Mặc dù, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP vẫn tiếp cận theo hướng ưu tiên Trọng tài hơn, nhưng không loại trừ quyền lựa chọn Toà án của các bên. Do đó, có thể việc lựa chọn cả Trọng tài và Toà án là cơ quan giải quyết tranh chấp ngay từ đầu là một phương án hay cho những chủ thể chủ động trong giao dịch thương mại và hiểu biết pháp lý vững vàng. 

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.