Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (“Quyết Định Xử Phạt”) không chỉ là chế tài bắt buộc thực thi đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước và đảm bảo trật tự xã hội. Tuy nhiên, không ít trường hợp, do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, việc thi hành quyết định xử phạt bị trì hoãn hoặc hết thời hạn. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu người vi phạm có được miễn thi hành khi quyết định xử phạt hết thời hiệu?
Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) (“Luật XLVPHC”) và các văn bản hướng dẫn thi hành, vấn đề thời hạn thi hành Quyết Định Xử Phạt khi hết thời hạn thi hành được xem xét dựa trên các yếu tố cụ thể. Dưới đây là những nội dung chính liên quan đến vấn đề này.
1. Về thời hạn tự nguyện thi hành Quyết Định Xử Phạt
- Theo quy định pháp luật: người bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết Định Xử Phạt; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.1
- Mốc thời gian được tính là thời điểm nhận được Quyết Định Xử Phạt. Theo quy định, Quyết Định Xử Phạt phải được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho người bị xử phạt bị xử phạt biết2.
Trường hợp cố tình không nhận, thì Quyết Định Xử Phạt vẫn được xem là đã giao nếu:
-
- Nếu giao trực tiếp: Người có thẩm quyền phải lập biên bản về việc không nhận QĐXPVPHC, biên bản này cần có xác nhận của chính quyền địa phương.
-
- Nếu gửi qua bưu điện: Sau ba lần gửi mà vẫn không nhận được do người bị xử phạt cố tình từ chối, quyết định xử phạt sẽ được xem là đã giao nếu được niêm yết tại nơi cư trú hoặc trụ sở của người vi phạm.
2. Về Thời hiệu thi hành Quyết Định Xử Phạt
- Thời hiệu thi hành Quyết Định Xử Phạt được xác định là 01 năm kể từ ngày ra quyết định, nếu quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ một số trường hợp áp dụng biện pháp tịch thu, khắc phục hậu quả.3
- Trường hợp người bị xử phạt bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.4
- Thực tế xác định hành vi cố tình trốn tránh, trì hoãn việc chấp hành Quyết Định Xử Phạt
Quy định pháp luật hiện tại không quy định cụ thể khái niệm về hành vi cố tình trốn tránh, trì hoãn trên. Nên việc xác định và chứng minh trong một số trường hợp, sẽ phụ thuộc vào thực tế và quan điểm của người có thẩm quyền xử lý.
Thực tế, theo hướng dẫn của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tại các Công văn giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật,5 thì việc cố tình trốn tránh, trì hoãn việc chấp hành Quyết Định Xử Phạt được hiểu như sau:
- Nếu Người bị xử phạt không có hành vi “cố tình trốn tránh, trì hoãn” VÀ Cơ quan nhà nước không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, ra quyết định thi hành án và tổ chức cưỡng chế thi hành: Thì Quyết Định Xử Phạt sẽ hết hiệu lực sau 01 năm kể từ ngày ra quyết định, sau thời hạn trên, Người bị xử phạt không bắt buộc thi hành các nghĩa vụ thi hành quyết định đó nữa.
- Nếu Người bị xử phạt đã có hành vi “cố tình trốn tránh, trì hoãn” HOẶC Cơ quan nhà nước không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, ra quyết định thi hành án và tổ chức cưỡng chế thi hành: Thì Quyết Định Xử Phạt trên vẫn có thể còn thời hiệu thi hành là 01 năm kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
3. Các chế tài phát sinh khi không thi hành Quyết Định Xử Phạ
Nếu không thi hành Quyết Định Xử Phạt trong thời hạn còn hiệu lực, người vi phạm có thể đối mặt với các chế tài cưỡng chế và các hậu quả pháp lý khác, bao gồm:
(i) Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, bao gồm các biện pháp:6
- Khấu trừ một phần lương, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm;
- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
- Thu tiền, tài sản khác do người khác đang giữ trong trường hợp tẩu tán tài sản.
- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khác.
(ii) Nộp tiền chậm nộp phạt: với lãi suất 0,05% cho mỗi ngày chậm nộp tiền phạt, tính trên tổng số tiền chưa nộp (tính đến ngày hoàn tất việc nộp tiền phạt).7
Việc hết thời hạn thi hành QĐXPVPHC không đồng nghĩa với việc người bị xử phạt được miễn trách nhiệm thi hành, mà còn làm rõ liệu có tồn tại hành vi trốn tránh, trì hoãn hay không. Đây là yếu tố then chốt quyết định trách nhiệm của người vi phạm và hiệu lực tiếp tục thi hành của quyết định xử phạt.
(1) Điều 73.1 Luật XLVPHC
(2) Điều 70 Luật XLVPHC
(3) Điều 74.1 Luật XLVPHC
(4) Điều 74.2 Luật XLVPHC
(5) Mục I.3 Công văn 5887/VKSTC-V14 2019 và Mục A.I.3,4,5 Công văn số 4962/VKSTC-V14
(6) Điều 86 Luật XPVPHC
(7) Điều 78.1 Luật XPVPHC
Bài viết liên quan:
1/ Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm quyền tác giả không?
2/ Xử phạt vi phạm hành vi xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ
3/ Thời hiệu xử phạt hệ quả pháp lý của hành vi sử dụng lao động nước ngoài trái phép
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.