Hiện nay, hầu hết người lao động đều trải qua thời gian thử việc trước khi được ký hợp đồng lao động để trở thành nhân viên chính thức. Một trong những vấn đề được người lao động quan tâm nhất trong thời gian này là chế độ tiền lương. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng cần quan tâm đến vấn đề này để giải quyết chế độ tiền lương cho người lao động một cách hợp pháp, từ đó, tạo dựng hình ảnh tốt cho doanh nghiệp cũng như hạn chế khả năng bị xử phạt hành chính. Bài viết này sẽ tập trung phân tích một số vấn đề cơ bản của chế độ tiền lương trong thời gian thử việc, bao gồm: Mức tiền lương; Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; Quy định về thời gian làm việc tối thiểu để được trả lương thử việc có hợp pháp không?
1. Tiền lương trong thời gian thử việc
Căn cứ Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Mức lương cụ thể sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận và được ghi nhận trong hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (đối với cá nhân) hoặc từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối với tổ chức). Ngoài ra, người sử dụng lao động sẽ phải trả đủ tiền lương cho người lao động (Điều 10 và Điều 6.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
2. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong thời gian thử việc
Pháp luật hiện hành không phân biệt về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm của người lao động thử việc và người lao động đã được kí hợp đồng đồng lao động. Do đó, trong thời gian thử việc, nếu người lao động làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm thì tiền lương sẽ được tính theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
Đối với trường hợp làm thêm giờ, người lao động được trả:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc;
- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc.
Đối với trường hợp làm vào ban đêm: người lao động được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Trường hợp người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm thì sẽ bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng (đối với cá nhân) hoặc đến 100.000.000 đồng (đối với tổ chức). Ngoài ra, người sử dụng lao động sẽ phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu g tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (Điều 17 và Điều 6.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
3. Quy định về thời gian làm việc tối thiểu để được trả lương thử việc có hợp pháp không?
Hiện nay, nhiều hợp đồng thử việc quy định số ngày làm việc tối thiểu để được trả lương thử việc. Ví dụ: Trong thời gian thử việc, người lao động phải không làm đủ 10 ngày thì công ty sẽ không trả lương cho người lao động.
Theo Điều 27.2 Bộ luật Lao động 2019: “Trong thời gian thử việc, người lao động có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường”.
Như vậy, dù người lao động thông báo chấm dứt hợp đồng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian thử việc, người lao động sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả pháp lý về bất kỳ vấn đề nào, bao gồm tiền lương. Do đó, dù thời gian làm việc thực tế là bao nhiêu ngày, khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải trả lương cho số ngày đã làm việc của người lao động.
Vậy nên, việc hợp đồng ấn định thời gian làm việc tối thiểu để được nhận lương trong thời gian thử việc không phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Do đó, các bên lưu ý không thỏa thuận vấn đề này trong hợp đồng.
Mặc dù pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử phạt với trường hợp hợp đồng thử việc/hợp đồng lao động có quy định nêu trên nhưng khi người sử dụng lao động không trả lương thử việc cho người lao động thì sẽ bị phạt tiền đến 5.000.000 đồng (đối với cá nhân) hoặc đến 10.000.000 đồng (đối với tổ chức). Ngoài ra, người sử dụng lao động sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật (Điều 10 và Điều 6.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.