Các biện pháp xử lý hàng giả

1. Định nghĩa hàng giả và tầm quan trọng của việc xử lý

a. Hàng giả là gì?

Hàng giả không chỉ đơn thuần là những sản phẩm giả nhãn hiệu, mà còn bao gồm những loại hàng hóa vi phạm các yếu tố về chất lượng, công dụng và sở hữu trí tuệ. Dựa trên các quy định pháp luật, hàng giả có thể được phân loại như sau: 

  • Hàng giả về sở hữu trí tuệ: Theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ (2005, sửa đổi 2022), hàng giả sở hữu trí tuệ bao gồm: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là việc sử dụng trái phép nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ; Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là việc sử dụng sai thông tin nguồn gốc địa lý; Hàng hóa sao chép lậu là việc sử tái sản xuất trái phép các sản phẩm bảo hộ bản quyền. 
  • Hàng giả về chất lượng và công dụng: Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng giả bao gồm: Hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị không đúng như công bố và hàng hóa chỉ đạt dưới 70% chỉ tiêu chất lượng hoặc công dụng đã đăng ký.  
  • Hàng giả về nhãn, bao bì: Sản phẩm có nhãn hoặc bao bì giả mạo thông tin về nhà sản xuất, xuất xứ, hoặc mã vạch. 

b. Tại sao phải xử lý hàng giả?

Hàng giả gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như: làm suy giảm uy tín, thương hiệu, giảm doanh thu và tăng chi phí xử lý vi phạm của doanh nghiệp; gây mất niềm tin, tổn hại sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng; làm méo mó thị trường, giảm thu ngân sách, cản trở sự phát triển kinh tế bền vững của nền kinh tế. 

Xử lý hàng giả không chỉ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn thúc đẩy một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh. 

2. Các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Pháp luật Việt Nam quy định bốn biện pháp chính để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó việc xử lý hàng giả cũng được bao hàm.

a. Biện pháp dân sự

(i) Cơ sở pháp lý:   

  • Bộ luật Dân sự 2015: Điều 608 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng; Điều 360 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không thực hiện đúng nghĩa vụ. 

(ii) Chủ thể khởi kiện: Chủ sở hữu quyền SHTT; Người được chuyển nhượng hoặc cấp phép quyền sử dụng (trong phạm vi được cấp phép); Cá nhân, tổ chức chịu thiệt hại từ hành vi xâm phạm. 

(iii) quan có thẩm quyền là Toà án, trong đó: Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh nơi xảy ra hành vi xâm phạm hoặc nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết. Với tranh chấp phức tạp hoặc có yếu tố nước ngoài, Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử lý. 

(iv) Hình thức bảo vệ quyền: Chủ sở hữu quyền SHTT có thể khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu:   

  • Chấm dứt hành vi xâm phạm: Yêu cầu bên vi phạm phải ngừng ngay hành vi sản xuất, buôn bán, phân phối hàng giả (Điều 202 Luật SHTT);
  • Buộc bồi thường thiệt hại: Thiệt hại vật chất gồm tổn thất về tài sản, doanh thu bị giảm, chi phí ngăn chặn vi phạm (ví dụ: phí giám định); Thiệt hại phi vật chất gồm tổn thất về uy tín, danh tiếng. Cách tính bồi thường: theo thực tế thiệt hại, theo lợi nhuận bị mất của bên bị hại; nếu không xác định được thiệt hại vật chất thì Toà án ấn định nhưng không quá 500 triệu đồng (Điều 205 Luật SHTT). 
  • Buộc tiêu hủy hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm: Tiêu hủy hàng hóa vi phạm, vật liệu, phương tiện sản xuất hàng giả; Loại bỏ yếu tố vi phạm khỏi hàng hóa, bao bì (gỡ bỏ nhãn mác, logo vi phạm).
  • Khôi phục danh tiếng và uy tín: Công khai xin lỗi trên phương tiện truyền thông; Đính chính thông tin sai lệch, khôi phục hình ảnh của bên bị thiệt hại.

(v) Ưu và nhược điểm  

  • Ưu điểm: Biện pháp dân sự không chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm mà còn giúp khôi phục thiệt hại cho chủ sở hữu quyền. Quy trình xét xử được công khai, tạo áp lực xã hội đối với bên vi phạm. Quyết định của Tòa án có giá trị pháp lý cao, buộc các bên tuân thủ.
  • Nhược điểm: Thời gian xử lý kéo dài, đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp hoặc có yếu tố quốc tế. Việc xác minh thiệt hại hoặc yếu tố xâm phạm thường đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí bao gồm án phí, chi phí giám định, phí thuê luật sư… 

b. Biện pháp hành chính

(i) Cơ sở pháp lý: Biện pháp hành chính là một trong những cách thức quan trọng để xử lý hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cơ sở pháp lý bao gồm: 

  • Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). 
  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) Chương XVII  
  • Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 
  • Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP) Quy định xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 
  • Nghị định 119/2017/NĐ-CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm. 

(ii) Cơ quan thực thi:  

  • Cơ quan quản lý thị trường: Có quyền xử lý trực tiếp các hành vi buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng nhái trong nước; Phạt hành chính đối với các vi phạm tại chợ, cửa hàng, siêu thị, hoặc các sàn thương mại điện tử. 
  • Cơ quan Hải quan: Xử lý các vi phạm liên quan đến hàng giả trong hoạt động xuất nhập khẩu; Tạm giữ hàng hóa, điều tra và phối hợp với các cơ quan khác khi phát hiện vi phạm. 
  • Thanh tra chuyên ngành: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ: Xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp; Thanh tra Bộ Công Thương: Xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại; Thanh tra Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xử lý các loại hàng giả trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, nông sản. 
  • Cơ quan Công an: Tham gia xử lý các vụ việc hành chính phức tạp hoặc có dấu hiệu hình sự. 

(iii) Hình thức xử phạt: Hình thức xử lý hành chính đối với hàng giả, hàng nhái bao gồm:  

  • Phạt tiền: Mức phạt tiền tùy vào giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm. Ví dụ: Vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả: Phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng; Nếu vi phạm đối với hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm hoặc hàng hóa đặc biệt, mức phạt có thể gấp đôi.
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm: Áp dụng đối với hàng giả, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng giả.  
  • Tiêu hủy hàng hóa vi phạm: Tiêu hủy áp dụng với hàng giả không còn giá trị sử dụng, gây hại sức khỏe hoặc không thể khắc phục yếu tố vi phạm.
  • Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm: Gỡ bỏ nhãn mác vi phạm hoặc thay đổi thông tin trên bao bì để loại bỏ yếu tố giả mạo. 
  • Đình chỉ hoạt động kinh doanh: Thời hạn từ 1 đến 12 tháng, tùy mức độ vi phạm, áp dụng đối với cơ sở kinh doanh tái phạm nhiều lần hoặc có dấu hiệu gây hại nghiêm trọng đến xã hội.

(iv) Ưu và nhược điểm:  

  • Ưu điểm: Nhanh chóng do thời gian xử lý ngắn hơn so với biện pháp dân sự và hình sự; Thủ tục đơn giản vì không yêu cầu quá nhiều bằng chứng phức tạp như trong tố tụng hình sự; Phòng ngừa do có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn sớm (tạm giữ, tiêu hủy). 
  • Hạn chế: Mức phạt chưa đủ răn đe vì nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng vẫn chỉ bị phạt hành chính nhẹ; Chồng chéo thẩm quyền do sự phối hợp giữa các cơ quan chưa hiệu quả, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý; Khó khăn trong giám sát và thực thi đặc biệt đối với hàng giả trong thương mại điện tử và xuất nhập khẩu. 

c. Biện pháp hình sự

(i) Cơ sở pháp lý: Biện pháp hình sự được áp dụng đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có mức độ nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Cơ sở pháp lý bao gồm: 

  • Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): Điều 192 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 195: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; Điều 226: Tội xâm phạm quyền SHTT. 
  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) Hướng dẫn về các hành vi xâm phạm quyền SHTT. 

(ii) Cơ quan thực thi:  

  • Cơ quan điều tra (Công an): Tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc xâm phạm SHTT. 
  • Viện kiểm sát: Phê chuẩn các quyết định khởi tố, truy tố hành vi vi phạm theo quy định. 
  • Tòa án: Xét xử, đưa ra phán quyết cuối cùng, bao gồm mức hình phạt và các biện pháp bổ sung. 

(iii) Hình thức xử lý: 

  • Trách nhiệm hình sự đối với cá nhân: 

Điều 192 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Phạt tiền: Từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; Phạt tù: Từ 1 năm đến 15 năm, tùy theo giá trị hàng giả và mức độ thiệt hại; Cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. 

Điều 193 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm: Phạt tiền: Từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng; Phạt tù: Từ 2 năm đến chung thân, tùy thuộc mức độ nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người; Cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. 

Điều 226 – Tội xâm phạm quyền SHTT: Phạt tiền: Từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng; Phạt tù: Từ 6 tháng đến 3 năm; Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. 

  • Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại: Áp dụng theo các tội danh như trên với các mức phạt tăng nặng: Phạt tiền: Từ 1 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn; Cấm huy động vốn, cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực. 

(iv) Ưu và nhược điểm: 

  • Ưu điểm: Tính răn đe cao vì các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm tù giam và phạt tiền lớn, tạo áp lực lớn đối với bên vi phạm; Khả năng xử lý vi phạm nghiêm trọng đặc biệt hiệu quả với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng. 
  • Hạn chế: Khó khăn trong điều tra do các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thường được thực hiện tinh vi, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ; Thời gian xử lý kéo dài vì quy trình tố tụng hình sự thường phức tạp, mất nhiều thời gian; Chưa đồng bộ vì sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thể chưa hiệu quả trong một số trường hợp. 

d. Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu

Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu là các hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời hàng hóa vi phạm quyền SHTT, hàng giả hoặc hàng cấm ngay từ cửa khẩu hoặc trong quá trình lưu thông quốc tế. 

(i) Cơ sở pháp lý:   

  • Luật Hải quan 2014: Điều 34 Kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Điều 93 Trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong bảo vệ quyền SHTT. 
  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022): Điều 216 Biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. 
  • Nghị định số 99/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT. 
  • Thông tư số 13/2015/TT-BTC Quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến quyền SHTT. 

(ii) Cơ quan thực thi: Cơ quan Hải quan là lực lượng chính chịu trách nhiệm kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới và các cửa khẩu, có quyền tạm giữ, kiểm tra, và xử lý hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học SHTT hỗ trợ về chuyên môn trong giám định SHTT. 

(iii) Quy trình kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu: 

Đăng ký kiểm soát quyền SHTT: Chủ sở hữu quyền SHTT nộp đơn đăng ký kiểm soát quyền tại cơ quan hải quan. Hồ sơ bao gồm: 

  • Văn bằng bảo hộ quyền SHTT. 
  • Tài liệu chứng minh quyền sở hữu. 
  • Mô tả chi tiết về dấu hiệu vi phạm và hàng hóa vi phạm. 
  • Cam kết chịu trách nhiệm nếu việc yêu cầu sai gây thiệt hại cho bên thứ ba. 

Phát hiện và xử lý hàng hóa vi phạm: Kiểm tra thông tin: Hải quan sử dụng cơ sở dữ liệu để kiểm tra danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu; Phát hiện dấu hiệu vi phạm: Dựa trên tờ khai hải quan, thông tin hàng hóa và cơ sở dữ liệu đăng ký; Tạm giữ hàng hóa: Khi có nghi ngờ hàng hóa vi phạm, cơ quan hải quan ra quyết định tạm giữ trong vòng 10 ngày (có thể gia hạn thêm 10 ngày nếu cần giám định); Thông báo: Thông báo tới chủ thể quyền để họ xác minh và đề nghị xử lý. 

Giám định và xử lý vi phạm: Hàng hóa vi phạm được giám định bởi các cơ quan chuyên môn như Cục SHTT hoặc các tổ chức giám định được ủy quyền. Nếu xác định vi phạm xử phạt hành chính, tiêu hủy hàng hóa, hoặc trả lại cho bên vi phạm sau khi loại bỏ yếu tố vi phạm. Nếu không vi phạm hàng hóa được thông quan bình thường. 

(iv) Biện pháp xử lý: 

  • Tạm dừng làm thủ tục hải quan: Được áp dụng khi có cơ sở nghi ngờ hàng hóa vi phạm quyền SHTT hoặc vi phạm pháp luật về hàng giả. Thời gian tạm dừng: Tối đa 20 ngày.
  • Tiêu hủy hàng hóa: Áp dụng cho hàng giả, hàng hóa xâm phạm SHTT không thể loại bỏ yếu tố vi phạm hoặc không có giá trị sử dụng. 
  • Loại bỏ yếu tố vi phạm: Hàng hóa có thể được phép thông quan nếu loại bỏ yếu tố vi phạm (như gỡ bỏ nhãn hiệu giả mạo).
  • Xử phạt hành chính: Xử phạt theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP với các mức phạt tùy thuộc vào giá trị hàng hóa.

(v) Ưu và nhược điểm: 

Ưu điểm: Ngăn chặn hàng giả ngay từ cửa khẩu vì kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu giúp loại bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trước khi chúng được đưa vào lưu thông trên thị trường; Hỗ trợ phát hiện và xử lý nhanh chóng do việc sử dụng dữ liệu từ hệ thống hải quan và thông tin từ chủ sở hữu quyền giúp phát hiện nhanh các vi phạm. 

Nhược điểm: Phụ thuộc vào thông tin của chủ sở hữu quyền. Việc tạm giữ và giám định hàng hóa có thể làm chậm tiến độ thông quan, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Nếu có sự nhầm lẫn hoặc sai sót trong việc tạm giữ hàng hóa hợp pháp, doanh nghiệp có thể chịu thiệt hại về uy tín và tài chính. 

3. Quy trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ 

Bước 1: Phát hiện vi phạm: Doanh nghiệp chủ động kiểm tra, giám sát thị trường, người tiêu dung báo cáo vi phạm đến cơ quan chức năng.  

Bước 2: Xác minh vi phạm: Cơ quan thực thi hoặc chủ sở hữu quyền yêu cầu giám định vi phạm từ tổ chức chuyên môn. 

Bước 3: Lựa chọn biện pháp xử lý: Khởi kiện tại tòa án (dân sự) hoặc nộp đơn tố cáo lên cơ quan hành chính hoặc hình sự.  

Bước 4: Thực thi quyết định xử lý: Áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, hoặc hình sự: Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ xử lý vi phạm. 

Xử lý hàng giả và thực thi quyền SHTT là nhiệm vụ cần thiết để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Pháp luật Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý khá toàn diện, tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi và chủ sở hữu quyền, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hàng giả và quyền SHTT trong cộng đồng. 

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.