04 lưu ý khi doanh nghiệp phát hành ESOP

Employee Stock Ownership Plan hay còn gọi là “ESOP” là kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty. Đây là một phương thức phát hành cổ phiếu rất hay được các doanh nghiệp sử dụng khi có thể kết hợp việc khen thưởng khích lệ người lao động bên cạnh việc huy động vốn cho doanh nghiệp. Vậy có những lưu ý nào mà các cổ đông và doanh nghiệp cần quan tâm khi phát hành ESOP? Bài viết sau đây sẽ trả lời câu hỏi này.

1. Lưu ý về quy định pháp luật liên quan đến ESOP

Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến ESOP chỉ được áp dụng đối với các công ty đại chúng và các công ty niêm yết, cụ thể tại Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 118/2020/TT-BTC. Đối với các công ty, doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, công ty niêm yết thì pháp luật không có quy định hướng dẫn, điều chỉnh nào liên quan đến ESOP. Do đó, việc áp dụng quy định pháp luật vào ESOP đối với các trường hợp không phải là công ty đại chúng, công ty niêm yết được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.

Các công ty, doanh nghiệp không phải công ty đại chúng có thể thực hiện chào bán cổ phần thông qua hai phương thức chính sau đây: (i) Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; và (ii) chào bán cổ phần riêng lẻ. Pháp luật không quy định cũng như ngăn cấm việc các công ty, doanh nghiệp không phải công ty đại chúng phát hành cổ phiếu cho người lao động theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc phát hành này cũng sẽ được xem là một phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho người mua là người lao động và kèm theo các cam kết, điều khoản như một giao dịch mua bán cổ phần thông thường.

Đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết thì việc phát hành ESOP phải tuân thủ các điều kiện phát hành được quy định trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các hình thức mua lại trong Luật Chứng khoán 2019 và Thông tư 118/2020/TT-BTC.

2. Lưu ý về rủi ro bị các nhà quản lý công ty lợi dụng để trục lợi

Vì đối tượng hưởng ESOP là người lao động bao gồm cả các chức danh quản lý nên các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà quản lý đồng thời là cổ đông, có thể lợi dụng việc phát hành ESOP để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình trong công ty.

Trên thực tế, thẩm quyền để đưa ra tiêu chuẩn và danh sách người lao động được lựa chọn để phát hành ESOP thuộc về Hội đồng quản trị. Trong khi đó, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác, việc lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát thường được thực hiện thông qua phương thức bầu dồn phiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, nên hầu hết các chức danh này trên thực tế cũng thường do các cổ đông công ty nắm giữ.

Chính vì lý do đó, các nhà quản lý đồng thời là cổ đông công ty chỉ cần đưa ra tiêu chuẩn sao cho bản thân mình nằm trong danh sách người lao động được hưởng ESOP thì đã có thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình một cách hợp pháp, từ đó tăng quyền kiểm soát công ty. Ngược lại, cổ đông bị ảnh hưởng rất khó chứng minh được việc Hội đồng quản trị không minh bạch trong việc lựa chọn người lao động để áp dụng cơ chế thưởng ESOP.

3. Lưu ý về sự tác động trực tiếp đến lợi ích của các cổ đông hiện hữu

Mặc dù mục đích phát hành ESOP là để khuyến khích người lao động làm việc tại công ty nhưng việc phát hành một khối lượng cổ phiếu ESOP lớn với mức giá ưu đãi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu trong công ty, đặc biệt là các cổ đông thiểu số. Một số ảnh hưởng có thể kể đến như sau:

  • Bị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, từ đó giảm sức nặng trong quyền biểu quyết các vấn đề của công ty. Với các cổ đông thiểu số, tác động này càng tiêu cực hơn khi vốn dĩ họ đã không có sức nặng quá lớn trong quyền biểu quyết các vấn đề của công ty, việc pha loãng cổ phiểu thông qua phát hành ESOP sẽ càng làm giảm đi các quyền của họ.
  • Bị giảm các khoản lợi nhuận đáng lẽ các cổ đông được hưởng. Điều này được lý giải là công ty phải dùng lợi nhuận kinh doanh để bù đắp phần chênh lệch giữa số tiền thực thu từ người lao động khi phát hành cổ phần ESOP và giá trị cổ phần chào bán.
  • Ngoài ra, việc phát hành số lượng lớn cổ phần với mức giá thấp hơn giá thị trường cũng có nguy cơ dẫn đến việc giảm giá cổ phiếu của công ty trên thị trường, từ đó làm giảm tổng giá trị cổ phiếu mà các cổ đông hiện hữu đang có.

4. Lưu ý về áp lực mua lại cổ phần đã bán đối với công ty 

Việc phát hành ESOP cũng đồng nghĩa với việc số lượng cổ đông trong doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng, đi kèm với đó là các quyền lợi về quyền biểu quyết đối với các vấn đề của công ty. Theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020, các cổ đông khi biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty thì cổ đông đó có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

Trên thực tế mâu thuẫn giữa các cổ đông mới và cổ đông cũ không hiếm gặp, việc để các bên có thể tìm được tiếng nói chung không phải đơn giản. Trong trường hợp đó, các cổ đông mới hoàn toàn có khả năng yêu cầu công ty mua lại. Điều này có thể mang lại áp lực về tài chính cho doanh nghiệp, gây ra tình trạng thiếu vốn cho các hoạt động kinh doanh khác chỉ vì phải dùng một khoản tiền lớn để mua lại các cổ phiếu này.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.