Án lệ số 25/2018/AL: lo ngại về việc áp dụng

Án lệ số 25/2018/AL: lo ngại về việc áp dụng

Ngày 17/10/2018, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua án lệ số 25/2018/AL (“Án Lệ số 25”), dựa trên Quyết định Giám đốc thẩm số 79/2012/DS-GĐT liên quan đến tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Nhìn chung, Án Lệ số 25 đưa ra miễn trừ phạt vi phạm cho bên vi phạm nghĩa vụ do nguyên nhân khách quan từ cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, việc áp dụng Án Lệ số 25 dẫn tới những lo ngại về tính khả thi và hợp lý của quy định trong án lệ.

Căn cứ Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, tiêu chí để lựa chọn án lệ đó là án lệ phải làm rõ vấn đề pháp lý của vụ việc và theo đó, đưa ra các quy định hoặc giải thích pháp luật được áp dụng để trả lời cho câu hỏi pháp lý của vụ việc. Quan trọng không kém, án lệ phải đưa ra được những tình tiết then chốt của vụ việc tác động quyết định hoặc phán quyết của tòa án. Vì những tình tiết này là yếu tố quan trọng mà tòa án sau sẽ dựa trên đó để quyết định áp dụng án lệ cho các vụ việc tương tự trong tương lai. Theo đó, Án Lệ số 25 cho thấy  sự thiếu sót trong việc đưa ra những giải thích và phân tích hợp lý các quy định được áp dụng trong quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao.

Tóm tắt nội dung Án Lệ số 25:

Vào ngày 12/5/2009, bà H đồng ý bán căn nhà tại địa chỉ số 1222C, Đường số 43, Phường T, TP. Hồ Chí Minh cho ông L. Căn nhà này được mua tại một buổi đấu giá và chuyển cho bà H theo Quyết định số 786/QĐ-THA của Cơ quan Thi hành án Dân sự (“CQTHADS”) TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà H chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với căn nhà nói trên vào thời điểm đồng ý bán cho ông L, vì cơ quan thi hành án đang giữ các giấy tờ nhà và chậm trễ thực hiện thủ tục sang tên chủ sở hữu căn nhà trên cho bà H. Do đó, ông L đã đặt cọc trước một khoản tiền 2.000.000.000 đồng và yêu cầu bà H thực hiện các công việc giấy tờ cần thiết để được công nhận là chủ sở hữu căn nhà hợp pháp trước khi ký hợp đồng chính thức tại văn phòng công chứng.

Sau 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng đặt cọc, bà H đã không hoàn thành việc được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Ông L do đó đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu bà H hoàn trả tiền cọc và trả một khoản tiền phạt là 2.000.000.000 đồng vì vi phạm hợp đồng.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của ông L. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã có đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm yêu cầu hủy các bản án nói trên và xét xử lại vụ việc. Chánh án cũng yêu cầu việc chậm trễ của CQTHADS trong việc sang tên cho bà H cần phải được xem xét khi đưa ra bản án. Theo quan điểm của tòa, việc chậm trễ của CQTHADS là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc bà H không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Do đó, bà H được miễn trừ việc chịu phạt như quy định tại hợp đồng đặt cọc.

“Nguyên nhân khách quan”: Thiếu cơ sở pháp lý và hướng dẫn áp dụng 

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và 2015, bên có nghĩa vụ được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể thực hiện nghĩa vụ do: [1]

  • Sự kiện bất khả kháng;
  • Bên có nghĩa vụ chứng minh được lỗi hoàn toàn do bên có quyền lợi đối ứng; hoặc
  • Các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tuy nhiên, Án Lệ số 25 quy định việc chậm trễ của cơ quan Nhà nước là nguyên nhân khách quan mà theo đó bên có nghĩa vụ được miễn trừ trách nhiệm, không thuộc bất kỳ trường hợp miễn trừ nào nêu trên.

Việc không thể thực hiện nghĩa vụ của bà H rõ ràng không phải do lỗi của ông L, và các bên cũng không có thỏa thuận nào khác về việc miễn trừ nghĩa vụ. Án lệ trên cũng đã không phân tích được các tình tiết và chứng cứ chứng minh việc chậm trễ của CQTHADS là sự kiện bất khả kháng theo các điều kiện sau:[2]

  • việc chậm trễ của CQTHADS xảy ra ngoài ý chí của ông L và bà H;
  • việc chậm trễ không thể lường trước; và
  • bà H không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết.

Thêm vào đó, Án Lệ số 25 đưa ra thuật ngữ “nguyên nhân khách quan” nhưng không được định nghĩa trong luật và cách áp dụng án lệ cũng không được giải thích rõ ràng. Trong trường hợp luật không có quy định điều chỉnh, thẩm phán khi xét xử được phép chủ động đưa ra các quy định hoặc nguyên tắc để giải quyết các vụ việc cụ thể trên cơ sở công bằng và sự hợp lý, miễn là các quy định hoặc nguyên tắc đó được giải thích và hướng dẫn áp dụng một cách thống nhất cho các vụ việc trong tương lai. Theo ngôn ngữ thông thường, định nghĩa về nguyên nhân khách quan rất rộng. Nó có thể được hiểu là sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của các bên. Trong ngữ cảnh hợp đồng, việc này có nghĩa là vì bất kỳ lý do gì mà các bên không thể kiểm soát, dẫn đến việc không thể thực hiện hợp đồng, đều có thể được xem là nguyên nhân khách quan. Theo đó, bên có nghĩa vụ sẽ được miễn trừ thực hiện nghĩa vụ.

Kết luận: Khả năng áp dụng Án Lệ số 25

Xem xét các phân tích trên, Apolat Legal tin rằng Án Lệ số 25 có khả năng áp dụng thấp. Điều này là do án lệ trên không được cung cấp đầy đủ các phân tích thực tế, căn cứ pháp lý cũng như giải thích rõ ràng về quy tắc áp dụng cho vụ án. Việc áp dụng Án Lệ số 25 có thể khiến những người có quyền lợi phải lo lắng rằng những người có nghĩa vụ có thể dùng án lệ này để loại trừ trách nhiệm pháp lý của họ khi có nguyên nhân khách quan. Hơn nữa, từ góc độ của Apolat Legal, Án Lệ số 25 có thể vô tình làm giảm thái độ trách nhiệm của một bên đối với nghĩa vụ của mình. Nói cách khác, một bên sẽ đưa ra một lời hứa mà không xem xét khả năng thực hiện hoặc các tình huống có thể kiểm soát nếu được dự đoán trước khi ký hợp đồng. Bên cạnh đó, sự giải thích và hướng dẫn mơ hồ có thể sẽ gây khó khăn cho các tòa án khác trong việc áp dụng và phán quyết không nhất quán.

 

[1] Khoản 2, 3 Điều 302 Bộ luật Dân sự 2005 và khoản 2, 3 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015.

[2] Điều 161.1 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 156.1 Bộ luật Dân sự 2015.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.