Yêu cầu nâng cao năng lực bảo vệ quyền bản quyền nội dung số dưới áp lực của hiệp định EVFTA

Trong kỷ nguyên số, việc thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan đang gặp phải những thách thức vô cùng lớn do phạm vi và tính chất mở của môi trường internet. Trong bối cảnh đó, vai trò của những tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ bản quyền nội dung số phải được xem xét thật thấu đáo. Trước khi bàn đến quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề trên, đọc giả cần được khái quát sơ lược về các thông tin cơ bản của hệ thống thực thi bản quyền ở Việt Nam.

Pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam được ban hành chủ yếu dựa trên cơ sở của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) trong khuôn khổ các hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Mặc dù đây cũng là một hiệp định quốc tế quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn của hiệp định này vẫn thấp hơn so với các yêu cầu về sở hữu trí tuệ được áp dụng tại Liên Minh Châu Âu. Do đó, việc Việt Nam gia nhập EVFTA đặt ra các yêu cầu về điều chỉnh pháp luật sở hữu trí tuệ trong nước để đảm bảo Việt Nam tuân thủ các cam kết ở mức độ cao của hiệp định thương mại này. 

Xem thêm: Tổng quan một số quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và một vài so sánh với pháp luật Việt Nam.

Theo hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện hành, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian trên internet được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019, Luật công nghệ thông tin và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, được thông qua vào năm 2001, Nghị định 55 là văn bản quy phạm pháp luật hướng đến điều chỉnh trách nhiệm pháp lý của bên cung cấp dịch vụ trung gian trực tuyến. Trong hiệp định EVFTA, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại chương 12 của Hiệp định. Mục đích của chương này là tạo thuận lợi cho việc chế tạo, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm đổi mới và sáng tạo giữa các Bên nhằm đóng góp cho nền kinh tế bền vững và toàn diện hơn của mỗi Bên; và đạt được mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và hiệu quả. Ngoài ra, Hiệp định cũng yêu cầu việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và người sử dụng và theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, và bảo đảm sự cân bằng giữa các quyền và nghĩa vụ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy vẫn còn một số điểm khác biệt mà pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề sở hữu trí tuệ cần điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Đầu tiên, pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn thiếu nhiều quy định đặc thù liên quan đến (i) quyền độc quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm để thực hiện việc công bố tác phẩm của họ đến công chứng; (ii) cơ chế để bảo vệ 169 chỉ dẫn địa lý của EU được liệt kê trong hiệp định; (iii) kéo dài thời hạn bằng sáng chế dược phẩm như là cơ chế bù đấp do việc thẩm định kéo dài và (iv)  giả định về tác giả và chủ sở hữu quyền.

Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian internet là luật công nghệ thông tin. Theo đó, luật công nghệ thông tin miễn trừ một cách rõ ràng trách nhiệm cho các tổ chức dịch vụ trung gian trực tuyến trong một số hoàn cảnh nhất định. Để tiếp tục làm rõ việc thực thi luật công nghệ thông tin, Thông tư liên tịch số 07 đã được ban hành. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ Internet, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin và các công ty cho thuê không gian lưu trữ thông tin kỹ thuật số phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho các nội dung vi phạm. Các trường hợp mà những đơn vị này phải chị trách nhiệm bao gồm khi nhà cung cấp dịch vụ:

a) Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền;

b) Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền;

c) Cố tình huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hoá các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

d)  Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có.

Các quy định trên thể hiện sự ủng hộ của chính phủ cho sự phát triển của môi trường không gian mạng thông qua việc miễn trừ trách nhiệm rất rộng cho các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. 

Tóm tắt từ khía cạnh các quy định liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, có thể thấy rằng, hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến không có nghĩa vụ phải gỡ bỏ những nội dung vi phạm quyền tác giả trừ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. 

Tuy nhiên, một điểm mới của EVFTA là Hiệp định này đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường internet. Cụ thể, Hiệp định này yêu cầu Việt Nam phải quy định giới hạn hoặc miễn trừ  liên quan đến trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ trung gian đối với việc xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan xảy ra trên mạng viễn thông liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Giới hạn và miễn trừ ít nhất phải bao gồm những hoạt động sau:

(a) truyền dẫn trong mạng viễn thông các thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp, hoặc cung cấp truy cập mạng viễn thông (“chỉ truyền dẫn”); và

(b) truyền dẫn trong mạng viễn thông thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp liên quan đến việc lưu trữ tự động, trung gian và tạm thời các thông tin, được thực hiện chỉ nhằm mục đích làm cho việc truyền tải thông tin hiệu quả hơn đến người sử dụng dịch vụ khác theo yêu cầu của họ (“lưu trữ tạm thời”);

(c) việc lưu trữ thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ (“cho thuê chỗ lưu trữ”) với điều kiện là nhà cung cấp.

(i) không biết về thông tin bất hợp pháp; và

(ii) khi biết được thông tin đó, hành động nhanh chóng để gỡ bỏ hoặc ngăn chặn các truy cập tới thông tin đó.

Dường như các quy định trên thể hiện rằng EVFTA đang muốn xây dựng cơ chế thông báo-gỡ bỏ mà cộng đồng EU đang ủng hộ thông qua dự luật mới về quyền sở hữu trí tuệ của họ. Theo đó, nếu một trung gian trực tuyến đã biết về sự tồn tại của một nội dung xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng của họ, họ buộc phải chịu trách nhiệm cho nội dung xâm phạm đó nếu họ không nhanh chóng ngăn chặn hoặc gỡ bỏ nội dung này. Ngược lại, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa chấp nhận cơ chế thông báo-gỡ bỏ như trên. Do đó, để nội luật hóa các yêu cầu của EVFTA, đòi hỏi các nhà lập pháp phải xây dựng được cơ chế bảo vệ bản quyền tương tự, và thật sự khó khăn, như EVFTA đang yêu cầu.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.