Hàng giả vẫn luôn là một vấn nạn gây nhức nhối khi mà nhiều sản phẩm của nhiều các thương hiệu nổi tiếng bị công khai làm giả và được bày bán tràn lan trên nhiều kênh bán hàng, bao gồm cả hình thức bán hàng trực tuyến và online. Nghiêm trọng hơn là một số sản phẩm giả là thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm vốn dĩ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng lại luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Hàng giả có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đang bị làm giả. Đồng thời, việc để hàng giả tràn lan trên thị trường sẽ ảnh hưởng và tâm lý hoang mang đến người tiêu dùng, tạo nên tác động tiêu cực trong xã hội. Hiện nay, công tác xử lý hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, bài viết này sẽ nêu lên một số thực trạng liên quan đến việc điều tra xử lý hàng giả tại Việt Nam.
1. Quy định pháp luật về xử lý hàng giả
Thứ nhất, chế tài liên quan đến xử lý hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả,… đã được Chính Phủ ban hành và được xử lý theo biện pháp hành chính và hình sự. Hiện nay, các văn bản đã và đang được cập nhật, sửa đổi và điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, hàng giả đã được định nghĩa và phân loại thành nhiều loại khác nhau, bao gồm:
a. Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b. Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c. Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
d. Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
e. Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
f. Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Hàng giả tồn tại dưới nhiều hình thức và chủng loại khác nhau, việc định nghĩa và phân loại hàng giả thành nhiều loại khác nhau sẽ giúp mở rộng phạm vi bảo vệ sản phẩm thật, chống để lọt hành vi làm hàng giả nhưng không có cơ sở để xử lý.
Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ cần người buôn bán hoặc sản xuất có một trong các hành vi trong một chuỗi hành vi thì cũng được xem là đang thực hiện hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả. Điển hình như hành vi sản xuất được hiểu là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa. Tương tự với hành vi buôn bán, nếu người bán hàng giả thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông thì cũng được xem là đã thực hiện hành vi buôn bán hàng giả.
Thứ hai, có nhiều cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hàng giả đó là chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, quản lý thị trường, công an nhân dân, hải quan và thanh tra. Tùy từng một số vụ việc cụ thể, phụ thuộc vào sản phẩm bị làm giả, số lượng và giá trị sản phẩm bị làm giả mà sẽ có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng phục vụ cho quá trình điều tra (xem case study tại mục 2). Đối với biện pháp xử lý hành vi vi phạm hành chính, có một số lưu liên quan đến mức phạt tiền tối đa. Cụ thể, mức xử phạt tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả là 200.000.000 đồng; đối với tổ chức là 400.000.000 đồng. Hình thức xử phạt chủ yếu là cơ quan xử lý tịch thu tang vật và hình thức xử phạt bổ sung sẽ phụ thuộc vào từng hành vi cụ thể sẽ có hình thức xử phạt tương ứng.
2. Thực tế xử lý hàng giả và áp dụng quy định pháp luật trong việc xử lý
Trong những năm vừa qua, không thể không nhắc đến nỗ lực xử lý, điều tra của các cơ quan chức năng trong nhiều vụ việc xử lý hàng giả. Một số vụ việc tiêu biểu có thể kể đến đó là vụ việc xử lý hàng giả tôn thép của Tập Đoàn Hòa Phát; vụ việc làm giả khẩu trang y tế của Công ty TNHH Việt Hàn hay vụ việc tiêu biểu nhất đó là vụ việc giả mạo nhãn hiệu Choco Pie của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên (sau đâu gọi là “Công ty Phạm Nguyên”).
Vụ việc xử lý hành giả mạo nhãn hiệu Choco Pie của Công ty Phạm Nguyên, theo ý kiến và quan điểm riêng của tác giả là một vụ việc điển hình trong xử lý hàng hoá giả nói chung và xử lý hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nói riêng. Chủ sở hữu nhãn hiệu đã vận dụng hiệu quả các biện pháp xử lý như sử dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – đây là một trong những biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ; thực hiện giám định dấu hiệu Choco Pie gắn trên vỏ hộp sản phẩm của Công ty Phạm Nguyên đối chiếu với nhãn hiệu Choco Pie đã được bảo hộ độc quyền bởi Công ty Orion Corporation (Hàn Quốc),… Thêm vào đó, đối với vụ việc này, giá trị hàng giả mạo sở trí tuệ có giá trị cao, trong quá trình xử lý khi cần có sự hợp tác của nhiều cơ quan chức năng khác nhau như công an kinh tế, cơ quan hải quan, thanh tra Bộ Khoa học và Công Nghệ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,…. Thông tin cụ thể của vụ việc này, độc giả có thể tham khảo tại link. Từ case study hàng hóa giả mạo nhãn hiệu giữa Công ty Phạm Nguyên và Orion, một số thực trạng trong quá trình xử lý hàng giải và bài học kinh nghiệm mà chủ sở hữu có thể tham khảo, đó là:
- Chủ động đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ. Vấn đề chủ động đăng ký bảo hộ các tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký nhãn hiệu nói riêng là biện pháp tối ưu nhất để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu. Khi phát hiện có sự vi phạm, chủ sở hữu có cơ sở yêu cầu xử lý vi phạm. Khác với quyền tác giả đối với một tác phẩm sẽ được tự động, quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế,… chỉ được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Do đó, nếu chủ sở hữu không chủ động đăng ký bảo hộ, khi hành vi vi phạm xảy ra dẫn đến cơ sở bảo vệ chủ sở hữu thường sẽ không cao và bị yếu thế. Nếu muốn xử lý, chủ sở hữu buộc phải cung cấp nhiều chứng cứ chứng minh liên quan đến quyền sở hữu. Thậm chí trong một số trường hợp sẽ không thể xử lý được. Ví dụ như, đối với một sản phẩm, chủ sở hữu chỉ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhưng không bảo hộ cho kiểu dáng của mẫu chai đựng sản phẩm. Tại thời điểm phát hiện một tổ chức đang làm giả sản phẩm thì chủ sở hữu chỉ có thể sử xử lý theo biện pháp là buôn bán, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chủ sở hữu sẽ không thể yêu cầu xử lý hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp bởi chủ sở hữu đã không đăng ký bảo hộ và cũng không thể đăng ký bảo hộ do mẫu chai đựng sản phẩm đã bị công khai ra thị trường. Theo đó, mẫu chai đựng bị mất tính mới và không còn đủ điều kiện để được đăng ký theo quy định của Luật SHTT.
- Điều tra thông tin. Quá trình điều tra thông tin trong quá trình xử lý là vô cùng quan trọng. Thực tế là tại thời điểm ban đầu, doanh nghiệp thường là người tự theo dõi, thu thập và điều tra sản phẩm đang bị làm giả. Điều này có thể cũng là dễ hiểu khi chỉ có chính doanh nghiệp mới hiểu rõ nguồn sản phẩm được sản xuất, phân phối và lưu thông tại thị trường như thế nào; các dấu hiệu và đặc trưng của sản phẩm để phân biệt hàng thật và hàng giả. Giai đoạn điều tra và thu thập thông tin thường sẽ mất khá nhiều thời gian và cần sự kiên nhẫn bởi mục đích là để tìm ra nhà sản xuất, nhà phân phối để từ đó chủ sở hữu lên kế hoạch xử lý. Nhiều doanh ngiệp sẽ có nhiều cách thức điều tra thông tin khác nhau. Thông thường sẽ bắt đầu với những người bán lẻ, đại lý phân phối, các kênh bán hàng online để khoanh vùng điều tra. Chắc hẳn khi bắt đầu giai đoạn điều tra, chủ sở hữu có thể sẽ cảm thấy bất ngờ khi sản phẩm bị làm giả tràn lan và trắng trợn bởi không những có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, giá cả linh hoạt và phong phú về loại sản phẩm. Trong vụ việc của Công ty Phạm Nguyên, quá trình điều tra và theo dõi là yếu tố quyết định khi tìm hiểu được thời điểm lô hàng sẽ được nhập khẩu và tiến hành làm thủ tục tạm dừng hải quan. Chủ sở hữu đã lựa chọn chính xác thời điểm tiến hành các thủ tục cần thiết để cơ quan nhà nước phối hợp kiểm tra và tạm giữ lô hàng.
- Sự khó khăn trong quá trình điều tra. Hiện nay, người bán hàng giả đã và đang không ngừng phát triển phương thức sản xuất/buôn bán hàng giả. Thực tiễn cho thấy rằng, người sản xuất, người buôn bán hàng giả thường xuyên thay đổi phương thức sản xuất/buôn bán hàng giả, thực hiện hành vi có tổ chức, câu kết chặt chẽ và phân công từ khâu sản xuất, phân phối, liên hệ với người mua, đóng gói hàng và vận chuyển hàng. Tại mỗi giai đoạn nêu trên, người bán hàng giả hoàn toàn có khả năng thực hiện tại mỗi địa điểm khác nhau và việc truy lùng ra mỗi địa điểm đều rất khó khăn và mất thời gian để truy vết. Mặt khác, việc kiểm tra, xác minh khi truy vết các địa chỉ bán hàng giả trên các trang thương mại điện tử là rất thách thức bởi (i) địa chỉ được thể hiện trên website bán hàng thường là địa chỉ giả, không có thật và (ii) khi đến nơi xác minh, mặc dù là địa chỉ đúng nhưng địa chỉ đó không phải là địa chỉ của người bán hàng giả.
- Thách thức đối với chủ sở hữu. Rõ ràng, trong bài toán xử lý hàng giả, chủ sở hữu là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi vì phải đầu tư chi phí và công sức để tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Một số loại hàng hoá đặc thù như thuốc và mỹ phẩm, điều kiện đăng ký lưu hành và hàng hoạt các thủ tục khác buộc chủ sở hữu phải đáp ứng cũng có thể được xem là một gánh nặng mà doanh nghiệp phải chấp nhận. Mặt khác, doanh nghiệp còn phải theo dõi và xử lý hàng giả. Mặc dù luật không có quy định rõ ràng nhưng trên thực tế, khi doanh nghiệp muốn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hàng giả, chủ doanh nghiệp thường phải chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp, đồng thời phải thực hiện một số thủ tục khác như giám định sở hữu công nghiệp để có cơ sở và bằng chứng khi xử lý và trong giai đoạn khởi kiện dân sự tại Tòa án. Các chi phí giám định thường sẽ khá đắt đỏ và chủ sở hữu buộc phải chi trả trước cho các chi phí này. Chưa kể đến các chi phí khác như chi phí thuê luật sư, chi phí theo dõi để xử lý,.. mà doanh nghiệp cũng phải gánh chịu.
Chúng ta đều có thể thấy những khó khăn, thử thách trong việc xử lý hàng giả sẽ không phải là nhất thời và không thể khắc phục một cách triệt để. Đây được xem là một cuộc chiến dài hơi và cần sự nỗ lực, đồng hành và hợp tác của nhiều chủ thể khác nhau. Trước hết, về khía cạnh người tiêu dùng, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức tiêu dùng, tìm hiểu kỹ nguồn gốc, đặc điểm sản phẩm và từ bỏ thói quen tiêu dùng “ham mua hàng chất lượng nhưng giá rẻ”. Việc lựa chọn mua sản phẩm ở các cửa hàng hệ thống lớn và có uy tín sẽ góp phần giúp người tiêu dùng mua sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn về sức khỏe cho chính bản thân người tiêu dùng. Về khía cạnh của doanh nghiệp, yếu tố quan trọng và tiên quyết là doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền,…. Chủ động theo dõi, công bố các sản phẩm có khả năng bị làm giả và hướng dẫn cho người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả. Thêm vào đó, doanh nghiệp có thể tận dụng các giải pháp công nghệ ứng dụng lên sản phẩm như tem chống hàng giả, mã QR, tem truy xuất nguồn gốc,…Mẫu bao bì sản phẩm cũng nên được cân nhắc thay đổi định kỳ và không nên được thể hiện quá đơn giản, cần có các dấu hiệu đặc biệt để người bán hàng giả khó bắt chước để sản xuất và bán hàng giả. Cuối cùng, cơ quan nhà nước đóng vai trò thiết yếu trong vấn đề xử lý hàng giả. Thực tế là, sự trì hoãn trong việc xử lý, sự chồng chéo thẩm quyền trong quá trình thụ lý và giải quyết và các vấn đề khác vẫn cần được sửa đổi và khắc phục để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự an toàn trong thị trường tiêu dùng.