Xác định cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết Trọng tài

Trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn thay thế cho các thủ tục tố tụng thông thường tại tòa án (ADR)(1) và ngày càng được nhiều bên tranh chấp lựa chọn. Theo Báo cáo thường niên năm 2021 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), một trong những trung tâm trung tài được các bên tranh chấp lựa chọn phổ biến, tổng số vụ việc do trung tâm này tiếp nhận/ thụ lý năm 2021 là 270 vụ việc, tăng 22,2% so với năm 2020.(2) Với sự phát triển không ngừng của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các chủ thể tham gia tranh chấp ngày càng dành nhiều sự quan tâm lớn cho phương thức giải quyết tranh chấp này. Một trong những vấn đề thường được quan tâm là việc thi hành những phán quyết trọng tài. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít sự nhầm lẫn về việc xác định cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày về việc xác định cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài và những lưu ý về vấn đề này. 

1. Quy định của Luật TTTM 2010 về việc xác định cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài 

Theo quy định tại Điều 67 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan thi hành án dân sự.  

Theo pháp luật thi hành án dân sự, các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành bởi cơ quan thi hành án cấp huyện hoặc cấp tỉnh, phụ thuộc vào Tòa án ra bản án, quyết định.(3) Tuy nhiên, đối với phán quyết trọng tài, điểm đ, khoản 2, Điều 35 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định chỉ có cơ quan thi hành án cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành. Về mặt lãnh thổ, theo quy định tại Điều 8 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, cơ quan thi hành án dân sự nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết là cơ quan có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Vậy có thể thấy rằng, phán quyết trọng tài sẽ được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết. 

So sánh với thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài, các biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ do cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng, không phải nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định. Về mặt thực tiễn, đây là quy định phù hợp để áp dụng bởi lẽ biện pháp khẩn cấp tạm thời vốn mang đặc điểm khẩn cấp, do đó, cơ quan thi hành án dân sự nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng sẽ có đầy đủ điều kiện thuận lợi để thi hành. 

2. Bất cập của quy định pháp luật về cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài và những lưu ý cho chủ thể tham gia tranh chấp 

Như đã trình bày, không giống như sự hợp lý về thẩm quyền của cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời, phán quyết trọng tài sẽ được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết, thay vì nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc.  

Về cơ bản, cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định của tòa án phụ thuộc vào tòa án đã ra bản án, quyết định. Tuy nhiên, về mặt lãnh thổ, tòa án ra bản án, quyết định đã được xác định là tòa án nơi đương sự cư trú, có trụ sở hoặc nơi có bất động sản.(4) Do đó, quá trình thi hành án sẽ có khả năng diễn ra thuận lợi hơn vì cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định của tòa án có khả năng cao là cơ quan nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc. 

Tuy nhiên, đối với phán quyết trọng tài, nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết có thể là bất kỳ đâu, và cũng có thể không là nơi nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc. Bởi lẽ trên thực tế, dù phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đã và đang không ngừng phát triển nhưng số lượng các trung tâm trọng tài vẫn tương đối ít và chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Mặc dù về nguyên tắc, Hội đồng trọng tài có quyền ra phán quyết tại bất kỳ đâu nhưng trên thực tế, nơi trung tâm trọng tài có trụ sở thường được các Hội đồng trọng tài chọn là nơi ra phán quyết. Vậy cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài phổ biến trên thực tế chính là Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội và Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh. Vấn đề này vừa mang lại bất cập về số lượng quá tải của phán quyết trọng tài được thi hành tại hai cơ quan này, vừa mang lại sự khó khăn trong công tác thi hành án khi mà cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành không phải là nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc. Lúc này, các thủ tục về ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc sẽ được thực hiện, dẫn đến phức tạp hóa và kéo dài quá trình thi hành án.(5)

Vì những lẽ đó, các đề xuất liên quan việc mở rộng phạm vi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài nên bao gồm cả cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người phải thi hành phán quyết có tài sản, cư trú, làm việc đã và đang được đưa ra.(6) Vấn đề có hay không việc mở rộng phạm vi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài nằm ở các nhà làm luật. Tuy nhiên, dưới góc độ của chủ thể tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, việc lựa chọn trung tâm trọng tài và địa điểm trọng tài ngay từ đầu có thể góp phần hạn chế việc khó khăn cho quá trình thi hành án sau này. Đơn cử trong việc lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp trọng tài khi nguyên đơn bắt đầu khởi kiện tại trọng tài, nguyên đơn nên chọn trung tâm trọng tài và địa điểm trọng tài nơi bị đơn có tài sản hoặc cư trú, làm việc để thuận tiện cho quá trình thi hành án. 

Suy cho cùng, mục đích của các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đa phần đạt được hay không còn phụ thuộc ở việc thi hành phán quyết trọng tài. Do đó, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng khi bắt đầu tham gia tố tụng trọng tài sẽ giúp các bên thuận lợi hơn cho việc đạt được kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp. 


(1) Nigel Blackaby, Constantine Partasides, Alan Redfern, Martin Hunter, Redfern and Hunter on International Arbitration (Oxford University Press 2009), pp. 44-45

(2) Vietnam International Arbitration Centre (VIAC), Annual Report 2021. Link tham khảo: tại đây.

(3) Điều 35 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) 

(4) Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

(5) Điều 55 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) 

(6) Hoàng Thị Thanh Hoa, Thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại – một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện, 2018. Link tham khảo: tại đây.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.