Từ “đầu cơ tên miền” đến… “đầu cơ nhãn hiệu”

Cách đây khoảng 10-20 năm, khi Internet xuất hiện và sau đó phát triển rất nhanh tại Việt Nam, có một hiện tượng kinh doanh rộ lên khá mạnh, đó là hoạt động “đầu cơ tên miền”. Người ta đăng ký một tên miền với giá chỉ chừng vài trăm ngàn đồng rồi rao bán lại với giá vài trăm triệu đồng, thậm chí lên tới hàng tỉ đồng.

“Đầu cơ tên miền” dần tắt…

Nếu mở Google và tìm kiếm cụm từ “mua bán tên miền” hay “đầu cơ tên miền”, sẽ gặp rất nhiều bài báo nói về hiện tượng này từ năm 2005, 2006 đến nay. Trong đó có cả những bài báo đánh giá hành vi “đầu cơ” tên miền dưới góc độ pháp lý và đề xuất quy định pháp luật điều chỉnh.

Từ góc độ kinh tế tới góc độ pháp lý thì hành vi “đầu cơ tên miền” được điều chỉnh bởi pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN của Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tháo gỡ một số vướng mắc trong xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

Theo quy định của thông tư này, hành vi đăng ký và sử dụng tên miền “.vn” vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ là “tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ (nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý) và nội dung đăng tải trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ”.

Tên miền được cấp theo hai nguyên tắc: ai nộp đơn đăng ký tên miền trước thì được cấp trước và tên miền chỉ cấp cho một chủ thể duy nhất. Sau khi có thông tư nêu trên, một người đăng ký tên miền đúng theo hai nguyên tắc này vẫn có thể bị buộc trả lại tên miền, thu hồi tên miền nếu tên miền đó trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Như vậy chúng ta hiểu rằng, một số trường hợp những người cố tình lợi dụng thương hiệu của người khác để đầu cơ tên miền và bán lại với giá cao đã bị loại bỏ bởi Thông tư 14. Ví dụ: Samsung Electronics Co., Ltd Hàn Quốc đã được độc quyền nhãn nhiệu Samsung cho ngành điện thoại tại Việt Nam thì hành vi đăng ký tên miền samsungmobile.vn để bán lại cho Samsung Electronics Co., Ltd Hàn Quốc là hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, tên miền samsungmobile.vn sẽ bị thu hồi và ưu tiên cho Samsung Electronics Co., Ltd Hàn Quốc đăng ký.

Nhưng, không phải trường hợp nào lợi dụng thương hiệu của người khác xây dựng, phát triển cũng dẫn tới hậu quả như trên. Với hệ thống pháp luật thành văn luôn tồn tại những kẽ hở, bằng sự linh hoạt của mình, một số người sẽ có cách luồn lách qua kẽ hở đó nhằm đạt mục đích của mình. Và giờ đây, thay vì “đầu cơ tên miền”, người ta đã đi tới một cấp độ cao hơn đó là “đầu cơ nhãn hiệu”.

“Đầu cơ nhãn hiệu” nổi lên

Tương tự với nguyên tắc cấp tên miền, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định cụ thể tại điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:

1. Văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất.

2. Văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất.

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên còn gọi là nguyên tắc “First to File”, không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo nguyên tắc này, người viết cùng các cộng sự đã từng giải quyết một vụ việc cho một công ty của Đài Loan – Công ty Han Fang – sản xuất sản phẩm băng vệ sinh có nhãn hiệu Natural Lady. Họ đã phân phối sản phẩm này tại thị trường nhiều quốc gia trong đó có thị trường Việt Nam từ năm 2012.

Thế nhưng, Công ty H. là một công ty tại Việt Nam đã đứng ra nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Natural Lady tại Cục Sở hữu trí tuệ vào năm 2014, trong khi đó Công ty Han Fang của Đài Loan nộp đơn sau vào năm 2017. Theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, Công ty H. dù chưa sản xuất ra một sản phẩm băng vệ sinh nào vẫn trở thành chủ sở hữu của nhãn hiệu Natural Lady.

Khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu, chủ sở hữu có quyền “Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu” mà mình được độc quyền. Theo đó, vì Han Fang không đồng ý mua lại nhãn hiệu Natural Lady với giá chào bán là 3 tỉ đồng nên Công ty H. đã gửi công văn đến các siêu thị tại Việt Nam để yêu cầu các siêu thị gỡ bỏ, không bán và lưu thông hàng hóa mang nhãn hiệu Natural Lady của Công ty Han Fang.

Công ty H. cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa mang nhãn hiệu Natural Lady như xử phạt vi phạm hành chính, tiêu hủy hàng hóa, thu hồi tên miền…

Với nguyên tắc này, nhiều người đã tiến hành nộp đơn bảo hộ độc quyền nhãn hiệu của các thương hiệu ở nước ngoài mà họ biết sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, những thương hiệu đã gia nhập thị trường Việt Nam nhưng chưa đăng ký, những thương hiệu của Việt Nam đã có uy tín với người dùng nhưng cũng chưa đăng ký…

Sau đó, họ có thể chào bán lại với một mức giá cao để buộc chủ thương hiệu gốc hoặc là mua lại với giá cao hoặc là không được hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Những hành vi này được xem là hành vi “đầu cơ nhãn hiệu”. Tưởng rằng “đầu cơ tên miền” đã dần tắt, thì nay “đầu cơ nhãn hiệu” lại nổi lên.

Tất nhiên, hành vi này không chỉ có ở Việt Nam mà có mặt ở các quốc gia theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “First to File”. Pháp luật cũng có một số quy định để hạn chế hành vi này như trường hợp nhãn hiệu Natural Lady. Vào ngày 29-6-2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Natural Lady, hình” vì Công ty H. có hành vi không trung thực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa và ảnh hưởng tới uy tín của Công ty Han Fang.

Kết luận này dựa vào quy định tại khoản 2 điều 87 và khoản 3 điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ mà cụ thể vì Công ty H. là nhà nhập khẩu, đại lý phân phối sản phẩm Natural Lady do Công ty Han Fang sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nên việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu của Công ty H. là hành vi không trung thực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, nếu một cá nhân hoặc tổ chức khác không kinh doanh mua bán, phân phối sản phẩm Natural Lady do Công ty Han Fang sản xuất thì không thể dựa vào quy định trên để hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Ngoài ra, nếu chiếu theo quy định điểm d khoản 1 điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ, một người đầu cơ nhãn hiệu nếu không đưa nhãn hiệu vào sử dụng trên thực tế trong vòng năm năm liên tục thì hoàn toàn có khả năng bị yêu cầu chấm dứt bởi người có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, thời gian năm năm là một khoảng thời gian quá dài cho việc chờ đợi của người thực sự đang sản xuất kinh doanh nhãn hiệu này. Có lẽ, một khoản chi phí hợp lý để mua lại nhãn hiệu sẽ là lựa chọn ưu tiên của họ.

Vì vậy, để hạn chế các hoạt động đầu cơ nhãn hiệu thì phương án đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất thời điểm hiện tại cho doanh nghiệp đó là đăng ký ngay những nhãn hiệu mình chuẩn bị đưa vào sản xuất và tung ra thị trường.

Ngoài nguyên tắc “First to File”, hãy lưu ý nguyên tắc lãnh thổ: “Đăng ký tại quốc gia và vùng lãnh thổ nào thì được bảo hộ tại quốc gia, vùng lãnh thổ đó”. Chẳng hạn, nếu sản phẩm tại Việt Nam muốn gia nhập thị trường Trung Quốc, hãy nộp đơn đăng ký bảo hộ ngay tại thị trường này trước khi hàng hóa lưu thông.

Đăng trên báo Saigon Times ngày 8 tháng 02 năm 2020.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.