Tổng quan về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

1. Các Điều ước quốc tế và các hiệp định hợp tác hỗ trợ lẫn nhau

Đến nay, Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bao gồm: 

  • Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan;
  • Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp;
  • Công ước Berne;
  • Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa;
  • Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa;
  • Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng;
  • Hiệp ước hợp tác sáng chế;
  • Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới;
  • Thỏa ước Hague về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

2. Nguồn luật trong nước điều chỉnh lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Danh sách dưới đây là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo hộ và cho thi hành quyền sở hữu trí tuệ trong nước, bao gồm:  

  • Bộ luật Dân sự năm 2015 do Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 do Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2016, quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự và thủ tục công nhận, cho thi hành bản án, quyết định dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 do Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;
  • Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 do Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, quy định về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố và thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 do Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2009 và Luật số 42/2019/QH14 (“Luật SHTT Việt Nam”) và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Luật Cạnh tranh năm 2018 do Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 06 năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Luật Hải quan năm 2018 do Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 06 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 do Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 07 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Luật Điện ảnh năm 2006 do Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 06 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, được sửa đổi năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 do Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 06 năm 2012, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Hiểu thế nào là quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật SHTT Việt Nam? 

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, sáng chế, thiết kế hoặc các hình thức sáng tạo khác. Hầu hết mọi tổ chức sở hữu một vài quyền sở hữu trí tuệ, qua đó có thể cấu thành tài sản doanh nghiệp. Các nhóm sở hữu trí tuệ phổ biến hiện nay bao gồm:  

  • Quyền tác giả;
  • Sáng chế;
  • Kiểu dáng công nghiệp;
  • Nhãn hiệu.

 4. Quyền tác giả 

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Đối tượng bảo hộ của quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Đối tượng bảo hộ quyền liên quan bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Đăng ký quyền tác giả được khuyến khích và được thực hiện tại Cục Bản quyền tác giả, cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việt Nam là thành viên của Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả. Theo đó, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm nhiếp ảnh và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm kịch và tác phẩm khuyết danh tối thiểu là 50 năm, đối với các tác phẩm khác là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết.

Tại Việt Nam, chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả và không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.

5. Sáng chế, giải pháp hữu ích 

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Một số đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, bao gồm: phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học, giải pháp thẩm mỹ, giống động vật và phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người/động vật và các đối tượng khác.

Ở Việt Nam, pháp luật về sáng chế được vận hành theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Theo đó, nếu hai người đăng ký cùng một sáng chế thì văn bằng bảo hộ sẽ được cấp cho người nộp đơn đầu tiên.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới.
  • Có trình độ sáng tạo.
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Khác biệt với nhiều hệ thống pháp luật khác, pháp luật Việt Nam phân biệt giữa sáng chế và giải pháp hữu ích. Quy định về giải pháp hữu ích có nhiều điểm tương đồng với sáng chế, ngoại trừ việc nó không bắt buộc phải có “trình độ sáng tạo”. Theo đó, một giải pháp kỹ thuật hoặc sản phẩm sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới.
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Trong khi Bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ trong thời hạn tối đa 20 năm, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực trong vòng 10 năm.

6. Kiểu dáng công nghiệp 

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới.
  • Có tính sáng tạo.
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Pháp luật quy định thời hạn bảo hộ đối với Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 20 năm, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.

7. Nhãn hiệu 

Hệ thống pháp luật về nhãn hiệu tại Việt Nam có nhiều quy định tương tự như với các quốc gia khác. Theo đó, nhãn hiệu là các biểu tượng, màu sắc và các thiết bị trực quan khác được sử dụng để xác định các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, có thể gồm dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu bao gồm nhãn hiệu sản phẩm/dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận 

Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

  • Không có khả năng phân biệt (như biểu tượng hình học đơn giản).
  • Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
  • Dấu hiệu chỉ thời gian, số lượng, chất lượng hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ.
  • Lừa dối người tiêu dùng.
  • Biểu tượng chung của các tổ chức quốc tế hoặc quốc huy.
  • Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của đã đăng ký hoặc được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký nhãn hiệu trước đó, hoặc nhãn hiệu được coi là nổi tiếng, được sử dụng rộng rãi và được công nhận, hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ, hoặc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
  • Trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trong vòng mười năm, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

8. Cạnh tranh không lành mạnh 

Theo quy định tại Luật SHTT Việt Nam, các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Thủ tục xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định chủ yếu trong Luật Cạnh tranh năm 2018. 

9. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam 

Ba biện pháp sau đây được áp dụng để thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm:

  • Biện pháp hành chính: Có nhiều cơ quan khác nhau với chức năng và thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Các chế tài có thể bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu hoặc tiêu hủy hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, đình chỉ giấy phép kinh doanh hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ. Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính được xem là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Đây là giải pháp phổ biến nhất để chủ sở hữu xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ phù hợp để đối phó với những bên xâm phạm có quy mô nhỏ. Đối với những hành vi xâm phạm quy mô lớn hơn, giải pháp này chỉ phù hợp nếu chủ sở hữu quyền sở hữu tuệ ưu tiên việc ngăn chặn ngay lập tức hành vi xâm phạm quyền thay vì bồi thường thiệt hại.
  • Khởi kiện dân sự: Số lượng các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ không nhiều nhưng có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Tòa án dân sự có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và buộc bồi thường thiệt hại. Theo đó, thiệt hai thường được tính dựa trên mức giảm sút về doanh thu hoặc lợi nhuận. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể xác định thiệt hại thực tế, mức bồi thường thiệt hại sẽ do Toà án ấn định là không quá năm trăm triệu đồng (khoảng 18,000 EUR).
  • Truy tố hình sự: Chủ sở hữu có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp hình sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hình phạt có thể bao gồm phạt tiền, phạt tù và thậm chí áp dụng hình phạt tử hình đối với vụ việc nghiêm trọng, có tổ chức hoặc có yếu tố kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán và các hướng dẫn cụ thể trong hệ thống pháp luật dẫn đến biện pháp xử lý hình sự thường ít được áp dụng trên thực tế. Chi phí cho việc truy tố hình sự sẽ do nhà nước chi trả và một phán quyết có lợi có thể là một biện pháp răn đe hữu hiệu đối với những đối tượng có khả năng phạm tội trong tương lai. Thông thường, phải mất khoảng mười hai (12) tháng để giải quyết một vụ án hình sự và thêm mười hai (12) tháng nữa để kết thúc thủ tục kháng cáo.

Xem thêm: Sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ: Bảo vệ quyền tác giả trong bối cảnh kinh tế nền tảng.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.