Chuyển nhượng nhãn hiệu là việc thực hiện chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu từ bên chuyển nhượng sang cho bên nhận chuyển nhượng. và phải được thực hiện dưới hình thức là hợp đồng bằng văn bản. Theo quy định của pháp luật, hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ mới có giá trị ràng buộc với bên thứ ba. Khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu thì hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu có hiệu lực.
1. Điều kiện đối với việc chuyển nhượng nhãn hiệu
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
2. Trình tự thực hiện chuyển nhượng bởi các bên
Bước 1: Các bên thỏa thuận và ký kết hợp đồng.
Việc thỏa thuận và ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Bộ luật dân sự và điều kiện về nội dung hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài việc đăng ký Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, các bên cũng cần lưu ý đến việc kê khai và nộp thuế thu nhập đối với phí chuyển nhượng mà bên chuyển nhượng nhận được.
Bước 2: Thực hiện đăng ký hợp đồng tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bên chuyển nhượng nộp một bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ đăng ký hợp đồng sẽ gồm các tài liệu như nêu ở mục trên.
3. Thủ tục giải quyết hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu bởi Cục Sở hữu Trí tuệ
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ
Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
1. Trường hợp hồ sơ đăng ký không có thiếu sót:
- Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
- Ghi nhận vào Văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa/dịch vụ trong Văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;
- Ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
- Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp.
2. Trường hợp hồ sơ đăng ký có thiếu sót:
- Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ để người nộp hồ sơ sửa chữa các thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
- Ra quyết định từ chối ghi nhận chuyển nhượng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.
4. Lệ phí
Bên dưới là lệ phí nhà nước sẽ nộp cho Cục sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, nếu khách hàng thực hiện thủ tục đăng ký chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Apolat Lgal, khách hàng sẽ phải cân nhắc thêm khoản phí tư vấn của Apolat Legal. Vui lòng liên hệ với Apolat Legal để được đề xuất phí dịch vụ chi tiết cho từng vụ việc cụ thể.
- Phí đăng bạ Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 Đồng.
- Phí công bố Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 Đồng.
- Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (mỗi đối tượng): 230.000 Đồng.
- Phí thẩm định đơn (mỗi đối tượng): 550.000 đồng (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận).
- Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết (mỗi đối tượng): 600.000 Đồng.
Lưu ý: Lệ phí chuyển nhượng nhãn hiệu này có thể thay đổi theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện thủ tục.
5. Thành phần hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu
Thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký chuyển nhượng gồm:
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện) (Mẫu của Apolat Legal).
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
- Tờ khai.
- 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định). Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai.
- Bản gốc văn bằng bảo hộ.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của Bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Đối với từng loại nhãn hiệu cụ thể, thành phần hồ sơ có thể thay đổi tương ứng.
6. Thời gian thực hiện
2 tháng kể từ ngày nhận đơn. Trên thực tế do số lượng đơn trên cục sở hữu trí tuệ quá lớn nên thời gian thực có thể kéo dài 3 – 6 tháng kể từ ngày nộp đơn.
7. Kết quả đăng ký
- Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
- Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
8. Các trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật
Mặc dù pháp luật ghi nhận chủ sở hữu có độc quyền đối với nhãn hiệu mà mình đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận, tuy nhiên không phải mọi nhãn hiệu đều có thể được chuyển nhượng theo mong muốn của chủ sở hữu. Pháp luật đặt ra một số hạn chế mà theo đó giao dịch chuyển nhượng không thể được đăng ký.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 quy định điều kiện hạn chế khi thực hiện việc mua bán là không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính.
Một trường hợp khá phổ biến trên thực tế là nhãn hiệu cũng chính là tên doanh nghiệp, và chính là tên thương mại của doanh nghiệp đó. Trong các trường hợp này, để việc chuyển nhượng cho bên khác không gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ (vì chủ sở hữu cũ vẫn sử dụng tên thương mại trong khi nhãn hiệu lại được sử dụng bởi một chủ thể khác) thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu cả tên thương mại của bên bán cũng được chuyển nhượng cho bên mua. Việc này có thể càng trở nên phức tạp khi xem xét đến các hạn chế trong việc chuyển nhượng tên thương mại theo luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể, khoản 3 Điều 139 Luật sở hữu trí tuệ quy định quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Như vậy, giao dịch chuyển nhượng như các bên mong muốn thực tế có thể trở nên phức tạp và quy mô thực hiện sẽ rộng hơn rất nhiều.
Nếu không đồng thời chuyển nhượng tên thương mại, bên bán sẽ phải nộp các tài liệu chứng minh rằng việc chuyển nhượng sẽ không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ, bên bán phải cung cấp tài liệu chứng minh:
- bên bán loại bỏ các ngành nghề kinh doanh liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu và việc loại bỏ đó phải được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- bên bán giải thể công ty, không còn tồn tại sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu; hoặc
- bên bán đã đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng sao cho không còn chứa yếu tố tương tự với nhãn hiệu được chuyển nhượng.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.