Sự Cần Thiết Của Tòa Án Chuyên Trách Sở Hữu Trí Tuệ (phần 1)

Sự Cần Thiết Của Tòa Án Chuyên Trách Sở Hữu Trí Tuệ (phần 1)

Theo Khoản 1 Điều 99 Luật SHTT hiện hành, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm quyền SHTT, người xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án, việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp.

Trong phạm vi bài tiểu luận này, người viết tập trung đề cập đến biện pháp dân sự mà một cá nhân, tổ chức, pháp nhân có thể thực hiện tại TAND để có thể bảo vệ quyền SHTT của mình. Khi xảy ra tranh chấp về tài sản trí tuệ, chủ sở hữu tài sản trí tuệ căn cứ theo quy định pháp luật số tụng dân sự để khởi kiện ra toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xân phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 202 Luật SHTT 2005 bao gồm: buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thế quyền SHTT.

Cơ chế thực thi tại TAND

1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp SHTT của TAND

Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết các tranh chấp SHTT của TAND theo tố tụng dân sự được xác định như sau:

  • Nếu tranh chấp SHTT thuần túy là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện;
  • Nếu tranh chấp SHTT thuần túy là tranh chấp dân sự nhưng có đương sự hoặc đối tượng SHTT ở nước ngoài, thuộc quyền của Tòa án cấp tỉnh;
  • Nếu tranh chấp SHTT giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được coi là tranh chấp thương mại, kinh doanh và thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

2. Biện pháp dân sự để xử lý xâm phạm quyền SHTT tại TAND

Như trên đã đề cập, các biện pháp dân sự theo quy định tại Điều 202 Luật SHTT 2005 bao gồm:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai; 
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; 
  • Buộc bồi thường thiệt hại; 
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thế quyền SHTT.

Các biện pháp dân sự được đề cập ở trên được xem là các biện pháp xử lý mà TAND có thể áp đặt lên một bên nếu bên đó có hành vi xâm phạm đến quyền SHTT mà bên khởi kiện là chủ thể đối với quyền đó. 

3. Chứng cứ và chứng minh

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP, để chứng minh mình là chủ thể của quyền SHTT, bên yêu cầu bảo vệ quyền SHTT phải cung cấp một trong các loại văn bản:

  • Bản sao Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bằng bảo hộ giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;
  • Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp;
  • Đối với nhãn hiệu được đăng ký quốc tế, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là bản sao giấy Chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định.

Sau khi đã chứng minh được tư cách của chủ thể có quyền đối với quyền SHTT, bên yêu cầu phải cung cấp chứng cứ và chứng minh các yêu cầu thực thi biện pháp dân sự của mình là có căn cứ và hợp pháp theo quy định của BLTTDS. Trường hợp chứng cứ thuộc sự kiểm soát của bên bị yêu cầu và bên bị yêu cầu từ chối cung cấp, TAND có quyền buộc bên bị yêu cầu phải cung cấp. Trường hợp biện pháp dân sự được yêu cầu là bồi thường thiệt hại, ngoài nguyên tắc chung của pháp luật liên quan đến bồi thường thiệt hại, Luật SHTT cũng cung cấp rõ hơn các quy định về xác định hành vi xâm phạm và xác định mức độ thiệt hại, do lĩnh vực SHTT là một lĩnh vực đặc thù và việc xác định các yếu tố nói trên không phải lúc nào cũng rõ ràng.

4. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng khi có yêu cầu của một bên có căn cứ cho rằng chứng cứ hoặc tình trạng hiện có của sự việc có khả năng bị thay đổi hoặc vì một nhu cầu cấp bách chính đáng, một bên có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật SHTT bao gồm: thu giữ; kê biên; niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; cấm chuyển dịch quyền sở hữu; và các biện pháp khác theo quy định của BLTTDS.

Thủ tục tố tụng để thực thi các biện pháp khẩn cấp tạm thời tuân theo quy định tại Điều 208, 209 và 210 Luật SHTT, và về cơ bản sẽ đều tuân theo các quy định của BLTTDS.

Xem thêm: Sự Cần Thiết Của Tòa Án Chuyên Trách Sở Hữu Trí Tuệ (phần 2).

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.