Sở hữu chéo giữa công ty mẹ và công ty con tại Việt Nam

Cách xác định quan hệ công ty mẹ và công ty con

Theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (“Luật Doanh nghiệp 2014”),[1] một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó;
  • Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
  • Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó. 

Khái niệm sở hữu chéo và yêu cầu của pháp luật Việt Nam

Khái niệm sở hữu chéo giữa hai doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Nghị định số 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2014,[2] cụ thể như sau: “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau”.

Điều đáng lưu ý là Luật Doanh nghiệp 2014[3] đưa ra yêu cầu rằng: “Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau”. 

Chế tài khi để xảy ra việc sỡ hữu chéo lẫn nhau giữa công ty mẹ và công ty con[4]

Trường hợp để xảy ra việc (i) công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ; và/hoặc (ii) các công ty con của cùng một công ty mẹ cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau thì các công ty này có thể bị xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng và phải khắc phục hậu quả bằng việc buộc thoái vốn, rút cổ phần từ công ty mẹ hoặc công ty con khác.

Trường hợp để xảy ra việc các công ty con có cùng công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp thì các công ty này có thể bị xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng và phải khắc phục hậu quả bằng việc buộc thoái vốn khỏi doanh nghiệp được thành lập.

Các phương án để loại bỏ tình trạng sở hữu chéo

Phương án 1: Công ty mẹ sẽ chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp trong công ty con cho bên thứ ba (“Bên Mua”), sao cho công ty mẹ không còn được xem là công ty mẹ của công ty con. Ngoài ra, phương án này cũng tương tự phương án các công ty con tái cấu trúc lại vốn điều lệ của mình để tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ sẽ được pha loãng xuống dưới mức mà công ty mẹ được coi là công ty mẹ của những công ty con; hoặc

Phương án 2: Các công ty con sẽ chuyển nhượng cổ phần do công ty mẹ phát hành mà các công ty con này đang nắm giữ cho Bên Mua để các công ty con không còn sở hữu cổ phần của công ty mẹ (Quy trình thực hiện tương tự đối với công ty mẹ thực hiện như dưới đây).

Quy trình chuyển nhượng vốn cơ bản gồm ba bước sau:           

Bước 1: Phê chuẩn việc chuyển nhượng phần vốn góp và công bố thông tin 

> Đối với công ty mẹ

Theo đó, tùy vào quy định tại Điều lệ của Công ty mẹ và tùy vào giá trị giao dịch chuyển nhượng vốn trong tương quan với tổng giá trị tài sản theo báo cáo tài chính gần nhất của Công ty mẹ mà giao dịch chuyển nhượng vốn dự kiến đó phải được Đại Hội Đồng Cổ Đông hoặc Hội Đồng Quản Trị của Công ty mẹ phê duyệt.

> Đối với Bên Mua 

Nếu Bên Mua là doanh nghiệp, tùy theo loại hình doanh nghiệp, điều lệ của Bên Mua và giá trị giao dịch chuyển nhượng vốn trong tương quan với tổng giá trị tài sản của Bên Mua trong báo cáo tài chính gần nhất mà Bên Mua cần phải có nghị quyết của Đại Hội Đồng Cổ Đông hoặc Hội Đồng Quản Trị hoặc HĐTV hoặc quyết định của Chủ tịch công ty để phê chuẩn việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty con từ Công ty mẹ.

Bước 2: Ký kết Hợp đồng chuyển nhượng vốn 

  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa công ty mẹ với Bên Mua phải được người đại diện theo pháp luật của Công ty mẹ và Bên Mua ký kết.[5] Trường hợp người ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty mẹ và Bên Mua thì phải có giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật cho người ký kết.
  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa Công ty mẹ với Bên Mua ít nhất phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: thông tin của Công ty mẹ và Bên Mua, số lượng và giá trị phần vốn góp trong Công ty con được chuyển nhượng, phương thức và thời điểm thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, chấm dứt hợp đồng, giải quyết tranh chấp, v.v.
  • Công ty mẹ có trách nhiệm xác định, kê khai số thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn trong Công ty con vào tờ khai với cơ quan thuế có thẩm quyền.

Bước 3: Thực hiện đăng ký chuyển nhượng vốn và thủ tục sau cấp phép

  • Sau khi Công ty mẹ chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty mẹ trong Công ty con cho Bên Mua, Công ty con phải thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“GCNĐKDN”)/thông báo thay đổi thông tin đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa phương.
  • Các thủ tục sau cấp phép:

Sau khi Công ty con được cấp GCNĐKDN ghi nhận việc chuyển nhượng phần vốn góp, Công ty con phải thực hiện các thủ tục sau cấp phép sau đây:

  • Lập sổ đăng ký thành viên/cổ đông; cấp giấy chứng nhận vốn góp cho Bên Mua; và
  • Đăng bố cáo về việc thay đổi trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKDN điều chỉnh.

 

[1] Điều 189.2 Luật Doanh nghiệp 2014

[2] Điều 16.2 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP

[3] Điều 189.(2) Luật Doanh nghiệp 2014

[4] Điều 39 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP

[5] Điều 86.3 và Điều 144 của Bộ luật Dân sự

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.