Nhận diện hành vi xâm phạm quyền tác giả dưới lăng kính pháp lý

1. Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả 

Quyền tác giả là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để mô tả các quyền độc quyền được trao cho các tác giả, nghệ sĩ và những người sáng tạo khác đối với nội dung, tác phẩm do họ sáng tạo của họ. Quyền tác giả nhìn chung có phạm vi bảo hộ rộng hơn so với các quyền sở hữu công nghiệp như quyền với nhãn hiệu, tên thương mại. Các quyền phổ biến của quyền tác giả bao gồm quyền sao chép, xuất bản, dịch thuật, phóng tác, phân phối,…tác phẩm. Các quyền này phát sinh một cách mặc nhiên sau khi tác phẩm được định hình.  

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2009, 2019), tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kì phương tiện hay hình thức nào. Một yêu cầu bắt buộc là tác phẩm phải được thể hiện ra bên ngoài và định hình ở một trạng thái và hình thức nào đó mới được xem xét là tác phẩm. Điều này đồng nghĩa rằng một ý tưởng ở trong đầu, sự sắp xếp các sự kiện, sự tưởng tượng của tác giả mà chưa được thể hiện ra ngoài theo bất kì hình thức hoặc phương tiện nào thì không đạt được điều kiện cẩn để trở thanh một tác phẩm.  

Theo quy định tại Điều 14 Luật SHTT 2005, các tác phẩm “văn học, nghệ thuật và khoa học” được bảo hộ bao gồm: 

– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; 

– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói của người khác; 

-  Tác phẩm báo chí; 

– Tác phẩm âm nhạc; 

– Tác phẩm sân khấu; 

– Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra bằng phương pháp tương tự; 

-  Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; 

– Tác phẩm nhiếp ảnh; 

– Tác phẩm kiến trúc; 

– Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học; 

– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; 

– Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. 

2.  Nhận diện hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định pháp luật 

Điều 28 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 liệt kê các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:           

  • Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. 
  • Mạo danh tác giả. 
  • Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả. 
  • Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.  
  • Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. 
  • Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này. 
  • Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này. 
  • Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này. 
  • Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. 
  • Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. 
  •  Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. 
  • Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. 
  • Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm. 
  • Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. 
  • Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo. 
  • Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. 

Có thể nhận thấy danh sách các hành vi vi phạm quyền tác giả tại Điều 28 Luật Sở hữu Trí tuệ như bên trên được quy định dưới dạng danh sách đóng. Điều này có nghĩa là, khi chủ thể quyền có nghi ngờ về một hành vi của chủ thể khác trên thực tế đang xâm phạm quyền của mình thì điều đầu tiên chủ thể quyền cần làm là xác định hành vi trên sẽ rơi vào hành vi xâm phạm nào được liệt kê tại Điều 28. Ở khâu này, câu hỏi mấu chốt là tiêu chí nào mà chủ thể quyền cần dựa vào để phân loại hành vi đang xem xét. Luật Sở hữu Trí tuệ không đưa ra tiêu chí cụ thể hoặc định nghĩa để phân loại từng hành vi cụ thể. Việc đánh giá ở khâu này sẽ phụ thuộc vào lập luận của bên yêu cầu xử lý vi phạm trong từng trường hợp cụ thể.   

Ngoài ra, quy định về hành vi “phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả” hoặc “phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả” có thể là không phù hợp với các quy định khác của Luật Sở hữu Trí tuệ. Cụ thể, hành vi phân phối tác phẩm là quyền tài sản thuộc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả (trừ trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả). Do đó, pháp luật chỉ yêu cầu có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả (mà không phải là sự cho phép của tác giả, đồng tác giả) khi một bên thực hiện phân phối tác phẩm. Do đó, quy định tại Điều 28 như trên đặt ra rủi ro về thực hiện quyền của chủ sở hữu quyền tác giả và bên khác theo sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. 

3. Bài kiểm tra then chốt 

Quá trình đánh giá một hành vi có phải hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không thực chất là một bài kiểm tra pháp lý nhiều bước. Việc kết luận không thể chỉ qua các đánh giá chủ quan mang tính cá nhân. Pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ về khung pháp lý để soi chiếu hành vi thực tế, đánh giá khách quan và đưa ra kết luận về tính xâm phạm, nếu có. Cụ thể, hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ khi có đủ các căn cứ sau đây: 

  1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
  3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
  4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Như vậy, quá trình xác định một hành vi có là hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không cần trải qua đầy đủ các bài kiểm tra bên trên. 

4. Đánh giá đối tượng bị xem xét

Đối với quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì các quyền này được xác định trên cơ sở bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan (nếu có). 

Trong trường hợp bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan không còn tồn tại, quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng được xem là có thực trên cơ sở các thông tin về tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan tương ứng, được thể hiện thông thường trên các bản sao được công bố hợp pháp. 

Đối với các tác phẩm đã được đăng ký quyền tác giả tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ và các tài liệu kèm theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ đó. 

5. Đánh giá yếu tố xâm phạm 

Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP liệt kê các yếu tố xâm phạm quyền tác giả sau đây: 

  1. Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;
  2. Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;
  3. Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;
  4. Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;
  5. Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép. 

Yếu tố xâm phạm quyền liên quan có thể thuộc một trong các dạng sau đây: 

  1. Bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn được tạo ra một cách trái phép;
  2. Bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản sao bản ghi âm, ghi hình, bản sao chương trình phát sóng được tạo ra một cách trái phép;
  3. Một phần hoặc toàn bộ cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị sao chép, trích ghép trái phép; một phần hoặc toàn bộ chương trình phát sóng bị thu, giải mã và phân phối trái phép;
  4. Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền liên quan bị vô hiệu hoá trái phép; bản định hình cuộc biểu diễn bị dỡ bỏ hoặc bị thay đổi một cách trái phép thông tin về quản lý quyền liên quan.

Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm (hoặc bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không, cần so sánh bản sao hoặc tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm (bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) hoặc tác phẩm gốc. Tuy nhiên, việc liệt kê các yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả như trên có nhiều hạn chế trong quá trình thực thi quyền do danh sách yếu tố xâm phạm không bao phủ tất cả các hành vi có thể xảy ra trên thực tế. Ngoài ra, có thể nhận thấy rằng danh sách các yếu tố xâm phạm quy định bởi Nghị định 105/2006/NĐ-CP không thống nhất hoàn toàn với danh sách các hành vi vi phạm quyền tác giả liệt kê tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019). Vấn đề này đặt ra khoảng trống pháp lý cho các hành vi thuộc danh sách này nhưng lại không thuộc danh sách còn lại khiến cho bất kì bên nào cũng có thể dựa vào đó để lập luận có tồn tại hoặc lập luận bác bỏ hành vi xâm phạm quyền tác giả.  

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.