Nhận chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ từ nước ngoài

Nhận chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ từ nước ngoài

Mở rộng việc kinh doanh hiện có, cả về thị trường và lĩnh vực kinh doanh, hoặc nâng cao chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ và vị thế trên thị trường mà một trong những nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ hữu hiệu để đạt được các mục tiêu kinh doanh đó. Trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu đang là một xu thế tất yếu, việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mang tính quốc tế như nhận chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ ở nước ngoài về Việt Nam hoặc ngược lại đang có xu hướng ngày càng tăng.  

Tuy nhiên, với những cơ chế đặc biệt của pháp luật sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ từ nước ngoài cần đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề sau: 

  • Thứ nhất, trước khi nhận chuyển giao quyền sử dụng đối với bất kỳ loại máy móc, sản phẩm nào từ đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm tra xem các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đã được bảo hộ ở Việt Nam chưa. 

Quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp (kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, nhãn hiệu…) mang tính lãnh thổ, các đối tượng này chỉ được bảo hộ trong phạm vi quốc gia mà nó đã được đăng ký. Trong bối cảnh quốc tế, một hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ chỉ nên được thực hiện nếu quyền sở hữu trí tuệ được chuyển giao cũng được bảo hộ tại một nước hoặc các nước khác mà doanh nghiệp nhận chuyển giao dự định kinh doanh. Bởi nếu quyền sở hữu trí tuệ không được bảo hộ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ không có cơ sở, đồng thời chủ sở hữu hay bên nhận quyền cũng không có quyền cấm người khác sử dụng các tài sản đó. 

  • Thứ hai, đảm bảo người giao kết hợp đồng có đầy đủ thẩm quyền và chấp thuận nội bộ cần thiết. 
  • Thứ ba, cần làm rõ phạm vi chuyển quyền sử dụng tài sản trí tuệ: độc quyền – không độc quyền, có được chuyển quyền sử dụng thứ cấp hay không. 

Việc làm rõ phạm vi chuyển quyền là điều rất quan trọng, nó vừa quyết định phạm vi quyền bạn có thể sử dụng, vừa ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác đối tượng được nhận chuyển quyền. Do đó, không nên xem nhẹ vấn đề này.   

  • Thứ tư, đảm bảo việc chuyển giao quyền sử dụng được áp dụng cho mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tài sản trí tuệ bạn mong muốn được chuyển giao. 

Một tài sản trí tuệ có thể ẩn chứa trong nó rất nhiều quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, ví dụ như việc một dây chuyển sản xuất bánh có thể vừa được bảo hộ sáng chế cho quy trình, bảo hộ nhãn hiệu cho tên sản phẩm, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho bao bì… Doanh nghiệp nên nhận diện được tất cả các quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến đối tượng mà mình dự định nhận chuyển giao quyền và thương lượng tất cả các quyền đó trong cùng một hợp đồng.  

  • Thứ năm, về mức phí nhận chuyển giao quyền.  

Khoản tiền nhận chuyển giao quyền này thường ở dạng tiền bản quyền (Royalty) mà bên nhận quyền sẽ trả cho bên cấp quyền để có đặc quyền sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ tương ứng. Cả bên cấp quyền và bên nhận quyền nên định giá tiền bản quyền thông qua việc định giá tài sản trí tuệ và đánh giá giá trị thị trường tiềm năng. 

Ngoài ra, các bên cũng phải thống nhất về phương pháp tính tiền bản quyền: thời hạn thanh toán, loại tiền tệ dùng để thanh toán, các vấn đề khác (thuế). 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các thỏa thuận chuyển giao quyền là một trong những các loại hợp đồng phức tạp. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ để được tư vấn và soạn thảo cho phù hợp. 

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở Hữu Trí Tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.