Trong môi trường thương mại hóa toàn cầu và thị trường ngày càng đông đúc, các doanh nghiệp phải thường xuyên cải tiến, áp dụng các phương pháp mới trong sản xuất, bán hàng, tiếp thị sản phẩm để duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Song song với việc đổi mới, sáng tạo của các chủ thể kinh doanh, nhiều công cụ được hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tạo ra nhằm cung cấp cho chủ sở hữu công cụ để bảo hộ các phương án quản lý, thành quả đổi mới, tri thức và sự sáng tạo của họ. Quyền SHTT thúc đẩy các công ty tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh, cũng như có được sự độc quyền bình đẳng giúp giảm rủi ro liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm mới ra hoặc đưa ra cải tiến mới đến tay người tiêu dùng. Trên thực tế chúng ta vẫn thường xuyên gặp trường hợp các ý tưởng bị trùng lặp hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn cùng được nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, với nguyên tắc “first to file” (nguyên tắc nộp đơn đầu tiên), pháp luật chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một chủ sở hữu duy nhất là người đầu tiên nộp đơn đăng ký.
Nguyên tắc “first to file” trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam xuất phát từ quy định về “nguyên tắc ưu tiên” trong Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên). Đây là một trong hai nguyên tắc nộp đơn đang được hầu hết các nước thế giới sử dụng khi đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ: nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “first to file” và nguyên tắc sử dụng đầu tiên “first to use”. Theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được quy định tại Điều 90 Luật SHTT, trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt hoặc các nhãn hiệu trùng hoặc tương tư với nhau cho cùng nhóm sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn đăng ký được chấp thuận bảo hộ là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp cho một đối tượng có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn theo thỏa thuận các các chủ đơn này. Nếu các chủ đơn không thỏa thuận được thì toàn bộ đơn đăng ký của đối tượng đó sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Bên cạnh nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, trong trường hợp chủ đơn sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu mong muốn mở rộng phạm vi bảo hộ ra các quốc gia khác, chủ đơn có thể áp dụng nguyên tắc ưu tiên để nâng cao khả năng bảo hộ cho tài sản trí tuệ của mình. Nguyên tắc này sẽ được áp dụng khi có ít nhất hai đơn cùng đăng kí để bảo hộ cho cùng một sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu và người nộp đơn có yêu cầu và nộp lệ phí để hưởng quyền ưu tiên. Nguyên tắc ưu tiên đã được ghi nhận tại Điều 4 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và được quy định tại Điều 91 Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam (được hướng dẫn cụ thể tại Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP). Tuy nhiên, quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên cho đối tượng đã được nộp trong đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc tại các quốc gia là thành viên của Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước PCT về bảo hộ sáng chế chỉ áp dụng trong thời hạn nhất định, cụ thể: (1) đối với sáng chế, thời hạn hưởng quyền ưu tiên là 12 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên, (2) đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, thời hạn hưởng quyền ưu tiên là 06 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên.
Mối quan hệ giữa nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên
Khi xem xét mối quan hệ giữa nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên, một số ý kiến cho rằng nguyên tắc ưu tiên là một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên là hai nguyên tắc độc lập nhưng bổ trợ cho nhau và cùng giúp chủ đơn đăng ký có lợi thế hơn khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình tại quốc gia khác. Cụ thể, quyền ưu tiên là quyền của người nộp đơn trên cơ sở có một đơn hợp lệ đầu tiên đã được nộp tại một quốc gia là thành viên điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên, trong một thời hạn nhất định, người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu đó tại một quốc gia thành viên khác và đơn nộp sau đó được coi như nộp cùng ngày với đơn đầu tiên. Ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên, đồng thời ngày nộp đơn của đơn đầu tiên lại được xác định theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Do đó, nguyên tắc ưu tiên không phải là một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
Đối tượng sở hữu công nghiệp được áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên
Quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được phát sinh theo hai cơ chế: (1) cơ chế tự động (tạo ra tác phẩm hoặc thông qua quá trình sử dụng mà không cần đăng ký) bao gồm quyền tác giả, quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh; (2) cơ chế phát sinh quyền thông qua văn bằng bảo hộ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu nổi tiếng); thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên chỉ áp dụng cho 3 đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu theo quy định tại Điều 90 và Điều 91 Luật SHTT. Theo đó, pháp luật Việt Nam không quy định nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên đối với chỉ dẫn địa lý và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Quy định này khá phù hợp với Công ước Paris và thực tiễn áp dụng, bởi lẽ quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà Nước, việc nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý là do Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý nhà nước hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký và Nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý (Điều 88 Luật SHTT), do đó việc tranh chấp trong nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý rất khó xảy ra. Đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, thực tế cho thấy có rất ít trường hợp các chủ thể cùng nhau nộp đơn đăng ký giống nhau cho đối tượng này.
Qua việc phân tích nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file) là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật bảo hộ sở hữu công nghiệp của các quốc gia. Nguyên tắc này không cho phép sự châm trễ trong việc nộp đơn đăng kí nếu chủ đơn mong muốn được cấp văn bằng bảo hộ, từ đó “First to file” cũng có thể được coi một công cụ thúc đẩy việc nộp đơn được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả, từ đó đẩy mạnh việc bảo hộ các tài sản trí tuệ. Không những thế nguyên tắc nộp đơn đầu tiên còn giúp nâng cao ý thức của chủ thể kinh doanh trong việc nắm giữ các đối tượng sở hữu công nghiệp để bảo vệ tốt hơn quyền của mình.