Nghĩa vụ của bên nhận nhượng quyền trong giao dịch

Nghĩa vụ của bên nhận nhượng quyền trong giao dịch

Trong giao dịch nhượng quyền thương mại, một bên trong giao dịch có thể phải chấp nhận một hoặc một số nội dung có vẻ như là “không công bằng” so với bên còn lại. Điều này xuất phát từ bản chất của nhượng quyền thương mại là bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận nhượng quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Chính vì thế, để đảm bảo bên nhận nhượng đảm bảo tuân thủ và duy trì cách thức hoạt động, kinh doanh theo mô hình hệ thống, bên nhượng quyền thường sẽ ràng buộc bên nhận nhượng quyền thực hiện theo yêu cầu bắt buộc. Bài viết này đề cập đến một số nghĩa vụ phổ biến mà bên nhận nhượng quyền trong giao dịch nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

nhượng quyền thương mại

1. Nghĩa vụ liên quan đến thanh toán phí

Một trong những lợi ích thương mại quan trọng của bên nhượng quyền có được chính là thu về được các khoản chi phí nhượng quyền do bên nhận nhượng quyền có trách nhiệm chi trả. Bên nhận nhượng quyền có nghĩa vụ trả đầy đủ các khoản phí và các khoản thanh toán khác (nếu có) theo hợp đồng nhượng quyền.

Tùy vào quy mô cơ sở nhận nhượng quyền, mô hình nhượng quyền, đặc thù mỗi ngành, lĩnh vực mà các khoản chi phí và loại phí sẽ khác nhau. Theo đó, có một số loại phí cơ bản như phí nhượng quyền ban đầu, phí nhượng quyền hàng tháng, phí thu % theo doanh thu,…Đặc biệt, các bên trong hợp đồng thường sẽ quy định rất chặt chẽ với trường hợp được loại trừ các nghĩa vụ thanh toán phí, phí phạt do không tuân thủ cam kết,…

2. Nghĩa vụ liên quan tổ chức và quản lý cửa hàng nhượng quyền

Bên nhận nhượng quyền phải đảm bảo tại các cơ sở nhận nhượng quyền sẽ có hình thức giống nhau để đảm bảo tính đồng nhất và “hệ thống” của bên nhượng quyền, cụ thể:

  • Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại.
  • Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền mà bên nhượng quyền chuyển giao.
  • Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền, tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của bên nhượng quyền.
  • Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

3. Nghĩa vụ bảo mật thông tin

Hàng hóa, dịch vụ mà bên nhận nhượng quyền cung ứng sẽ được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, mật kinh doanh, quảng cáo,…của bên nhượng quyền. Do đó, để đảm bảo quyền sở hữu đối với các tài sở hữu trí tuệ và bảo vệ lợi thế cạnh tranh, nghĩa vụ bảo mật thông tin được đặt ra với một số nội dung như:

  • Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  • Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
  • Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt.

Xem thêm: Nghĩa vụ chung của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến  Tư Vấn Nhượng Quyền Thương Mại. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.