Trong bối cảnh hoạt động thương mại không chỉ đơn thuần là các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp như hiện nay, việc thiết lập và mở rộng hệ thống phân phối, chuỗi bán hàng đang được càng nhiều chủ thể kinh doanh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức: mở chi nhánh/ địa điểm kinh doanh, nhượng quyền, mở đại lý thương mại… Trong đó, mô hình đại lý là mô hình thường được ưu tiên lựa chọn bởi các ưu thế về chi phí, thời gian quản lý, hạn chế được nhiều rủi ro, đồng thời có thể nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Trong quá trình cung cấp các dịch vụ tư vấn, rà soát hợp đồng đại lý, đặc biệt là các hợp đồng đại lý độc quyền, Apolat Legal nhận thấy các chủ thể thực hiện giao dịch thường bỏ qua những vấn đề tuy nhỏ nhưng lại có những ảnh hưởng rất lớn trong quá trình thực hiện Hợp Đồng. Tại bài viết này, Apolat Legal sẽ đưa ra một số vấn đề mà các bên cần lưu tâm trước khi tham gia đàm phán cũng như soạn thảo một Hợp Đồng Đại Lý Độc Quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam để hạn chế những tranh chấp không đáng có trong quá trình thực hiện Hợp Đồng:
1| Đầu tiên là phạm vi lãnh thổ được độc quyền
Pháp luật thương mại định nghĩa đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao[1]. Trong đó, đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định[2].
Theo đó, bản chất độc quyền của hoạt động đại lý độc quyền có thể được thể hiện và ràng buộc trên các yếu tố sau:
- Số lượng bên nhận đại lý được chỉ định: chỉ một bên nhận đại lý được nhận độc quyền trong một phạm vi đã được các bên thống nhất.
- Phạm vi lãnh thổ được chỉ định độc quyền: Phạm vi lãnh thổ mà bên đại lý được độc quyền có thể là một huyện, một tỉnh, liên tỉnh, một khu vực, một quốc gia hay thậm chí là nhiều quốc gia, tùy vào năng lực của các bên.
- Loại hàng hóa, dịch vụ được độc quyền: Bên giao đại lý có thể giao độc quyền một/ một số hoặc toàn bộ loại sản phẩm mà mình sản xuất/ được quyền phân phối.
Theo đó, tùy vào chiến lược kinh doanh mà Bên Giao Đại Lý và Bên Nhận Đại Lý nên xác định rõ ràng phạm vi nên được thỏa thuận độc quyền đối với lãnh thổ và loại sản phẩm độc quyền để có thể khai thác tối đa tiềm năng của thị trường, cũng như giảm thiểu được rủi ro khi tham gia vào hợp đồng đại lý độc quyền. Vấn đề này đặc biệt đáng lưu tâm đối với Bên giao đại lý, vì trong phạm vi được thỏa thuận theo Hợp Đồng độc quyền, họ chỉ được phép cung cấp hàng hóa/dịch vụ của mình cho duy nhất bên nhận đại lý, việc kinh doanh thuận lợi hay không thuận lợi trong phạm vi đó hoàn toàn phụ thuộc vào bên đại lý.
Đơn cử một trường hợp thường gặp về việc phân chia phạm vi độc quyền: công ty X (bên giao đại lý) và công ty Y (bên đại lý) ký kết hợp đồng đại lý độc quyền về việc Công Ty Y sẽ phân phối toàn bộ loại sản phẩm mà công ty X kinh doanh trong khu vực Đông Nam Bộ (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh). Như vậy, theo thỏa thuận này thì Công ty X chỉ được cung cấp sản phẩm của mình cho công ty Y mà không được cung cấp các sản phẩm của mình cho bất cứ bên thứ ba nào khác hoặc thậm chí tự mình bán hàng tại khu vực Đông Nam Bộ vì làm thế sẽ vi phạm thỏa thuận tại Hợp Đồng và xâm phạm quyền lợi của công ty Y. Tuy nhiên, nếu trong Hợp Đồng, Công ty X chỉ cho phép Công ty Y độc quyền dòng sản phẩm X1 tại khu vực Đông Nam Bộ, thì Công ty X vẫn sẽ có toàn quyền khai thác các dòng sản phẩm khác mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty Y.
Xem thêm: 03 lưu ý về sở hữu trí tuệ trong hợp đồng phân phối
Tuy nhiên bên giao đại lý cũng cần lưu ý, trong trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một số loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó[3].
2| Thứ hai, về giá của hàng hóa/dịch vụ
Theo quy định của pháp luật, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác[4].
Xét về khía cạnh của bên giao đại lý họ luôn muốn bên đại lý của mình bán càng nhiều sản phẩm càng tốt vì suy cho cùng họ là cũng là người có lợi, do đó bên giao đại lý thông thường không can thiệp vào giá của hàng hóa/dịch vụ mà bên đại lý bán/cung cấp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp bên giao đại lý sẽ đưa ra giới hạn về mức giá bán ra của Sản Phẩm thông qua việc đưa ra định mức, hoặc Giá Bán Lẻ quy định để tạo sự đồng nhất về hình ảnh và giá trị sản phẩm.
Xét về khía cạnh của bên đại lý, xuất phát từ “quyền độc quyền” trong việc phân phối sản phẩm trong phạm vi địa lý, họ luôn muốn bán giá cao nhất có thể để thu lợi nhuận. Do đó, các Bên Nhận Đại Lý cũng nên lưu ý đến việc hợp đồng đại lý có ràng buộc về giá bán bản phẩm hay không để có những phương án thương lượng phù hợp.
3| Thứ ba, hạn mức đặt hàng hóa/cung cấp dịch vụ tối thiểu
Thông thường, đi kèm với quyền lợi được độc quyền bán các hàng hóa/cung cấp dịch vụ trong phạm vi lãnh thổ thì bên đại lý cũng sẽ chịu một áp lực nhất định về “đầu ra” của sản phẩm hoặc doanh số bán hàng. Bên giao đại lý luôn muốn bên đại lý bán nhiều sản phẩm nhất có thể và tùy thuộc vào khoảng thời gian được hai bên thỏa thuận (có thể là hàng tháng, hàng quý) thì bên đại lý phải đặt mua một lượng hàng/cung cấp dịch vụ nhất định hoặc đạt được chỉ tiêu doanh số tối thiểu. Các quy định này thường được xem như là điều kiện cơ bản mà bên giao đại lý đặt ra cho bên đại lý khi bước vào một Hợp Đồng độc quyền, nếu không đạt được các chỉ tiêu này thì tùy vào mức độ mà bên đại lý có thể không được hưởng thù lao, thưởng hay phần chiết khấu hoặc thậm chí bị chấm dứt Hợp Đồng.
Về phần đại lý, dĩ nhiên họ cũng muốn hướng đến mục tiêu bán được càng nhiều hàng càng tốt để vừa có thể thu được nhiều lợi nhuận, vừa có thể được hưởng phần chiết khấu, thù lao từ bên giao đại lý mà không vi phạm hợp đồng. Do đó, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng đại lý độc quyền thì các bên cần chú trọng đến vấn đề này để cân bằng lợi ích tốt nhất giữa các bên vì đây là một trong những lí do chính gây ra các vụ tranh chấp hợp đồng đại lý độc quyền.
Ngoài các vấn đề trên, bên giao đại lý và bên đại lý cũng cần quan tâm đến các vấn đề giao nhận, thời hạn thanh toán, chính sách đổi trả, thời hạn đại lý trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng đại lý độc quyền. Bên cạnh đó, nếu hợp đồng đại lý độc quyền mà Bên Giao Đại Lý là thương nhân nước ngoài thì các bên phải tham khảo các vấn đề về danh mục hàng hóa được nhập khẩu, nghĩa vụ thu, thủ tục xuất, nhập khẩu từ Điều 50 đến điều 53 Nghị định 69/2018/NĐ-CP và các quy định chung về đại lý thương mại trong Luật Thương mại hiện hành.
Xem thêm: Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác nội địa tại Việt Nam (phần 1).
[1] Điều 166 Luật Thương Mại 2005
[2] Khoản 2 Điều 169 Luật Thương mại 2005
[3] Khoản 7 Điều 175 Luật thương mại 2005
[4] Khoản 1 Điều 171 Luật Thương mại 2005