Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay thì các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng. Tương trợ tư pháp nói chung và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự nói riêng là một công cụ hữu hiệu mà các nước có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về các vấn đề tư pháp trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý cho hoạt động tương trợ tư pháp, đồng thời ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với một số quốc gia trên thế giới. Tính đến tháng 07/2017 thì Việt Nam đã tham gia ký kết 27 Hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước trên thế giới, trong đó, có khoảng 20 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự. Tuy nhiên, thực tế thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nên hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế giữa Việt Nam và các nước vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Theo quy định của Luật Tương Trợ Tư Pháp 2007 thì tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp, tức là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong lĩnh vực dân sự, thì Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp liên quan đến các hoạt động tố tụng dân sự thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 của Luật Tương Trợ Tư Pháp 2007, cụ thể như sau:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự;
- Triệu tập người làm chứng, người giám định;
- Thu thập, cung cấp chứng cứ;
- Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
Theo đó, trong những năm gần đây, số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam ra nước ngoài lớn hơn số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài đối với Việt nam. Tuy nhiên, kết quả mà cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thực hiện ủy thác ra nước ngoài đạt tỷ lệ thấp, và gặp nhiều khó khăn như sau:
Thứ nhất, hệ thống các văn bản hướng dẫn các bộ luật, luật về tương trợ tư pháp của Việt Nam còn chưa đầy đủ, đồng bộ, cụ thể dẫn đến việc thực hiện của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó các hiệp định đã ký trước đây còn mang tính chất quy định chung chung, chưa được hướng dẫn giải thích nên rất khó vận dụng.
Thứ hai, ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp
Theo quy định tại Điều 5 của Luật Tương Trợ Tư Pháp 2007, thì ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp được quy định như sau:
- Đối với nước mà Việt Nam đã ký kết Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì ngôn ngữ được áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
- Đối với nước mà Việt Nam chưa ký kết Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hồ sơ phải kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ của nước được yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác mà nước được yêu cầu chấp nhận.
Tuy nhiên, việc dịch văn bản ủy thác tư pháp thành các ngôn ngữ của các nước khác trên thế giới còn rất nhiều bất cập, hạn chế như dịch không chuẩn, không đúng với ngôn ngữ của nước hoặc vùng được ủy thác tư pháp, không đạt được tính chuẩn chung về thuật ngữ pháp lý khi được dịch, … Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của các cán bộ Tòa án Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều han chế, do đó, việc rà soát, kiểm tra lại tính chính xác về nội dung được dịch của các văn bản ủy thác tư pháp mà họ phụ trách không được đảm bảo.
Thứ ba, quy trình, thủ tục trải qua nhiều cơ quan quản lý có thẩm quyền tại Việt Nam mới đến cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, điều này làm mất khá nhiều thời gian cho việc việc thực hiện hoạt động tư pháp này. Ví dụ, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án cấp huyện xét thấy cần thiết thực hiện ủy thác tư pháp thì phải làm hồ sơ chuyển lên cấp tỉnh để thực hiện ủy thác tư pháp theo thủ tục chung, tức từ cấp tỉnh, hồ sơ tiếp tục được chuyển đến Bộ tư pháp, sau đó mới đến cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
Thứ tư, vụ việc có thể bị kéo dài vì không thể xác minh được địa chỉ hoặc thông tin chính xác của đương sự ở nước ngoài
Nhiều trường hợp, kết quả ủy thác tư pháp không thể thực hiện được vì đương sự ở Việt Nam không cung cấp hoặc không biết chính xác địa chỉ, thông tin của đương sự ở nước ngoài cần được ủy thác tư pháp. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án cũng không có cơ sở để xác minh, tống đạt cho đương sự ở nước ngoài. Đối với các trường hợp ủy thác nhưng không có kết quả thì Tòa án sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục theo luật định. Tuy nhiên, tổng thời gian ủy thác tư pháp do Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì ít nhất là 16 tháng, kể từ ngày Tòa án ra văn bản thông báo thụ lý và hết thời hạn này, Tòa án mới xét xử vắng mặt đối với đương sự ở nước ngoài. Do đó, để giải quyết một vụ án chỉ ở giai đoạn sơ thẩm cũng mất vài năm, chưa tính đến khi xét xử xong Tòa án phải thực hiện ủy thác tống đạt bản án, việc kháng cáo, kháng nghị (nếu có) dẫn đến án tồn đọng kéo dài.