Lưu ý trong việc đàm phán các giai đoạn thanh toán trong giao dịch M&A

Lưu ý trong việc đàm phán các giai đoạn thanh toán trong giao dịch M&A

Thanh toán là một trong những điều khoản quan trọng và luôn được các bên cân nhắc trong các giao dịch Mua bán, sáp nhập (“M&A”) tại Việt Nam, đặc biệt là một trong các bên là cá nhân/ tổ chức nước ngoài.

Đa phần các giao dịch M&A tại Việt Nam, Bên Bán chủ yếu là cá nhân/ Tổ chức Việt Nam đang sở hữu cổ phần/ phần vốn góp trong 1 công ty. Bên Mua là các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cá nhân, tổ chức nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua cổ phần/ phần vốn góp của một công ty Việt Nam đã có kinh nghiệm, vị thế và tìm năng trong lĩnh vực mà Nhà đầu tư mong muốn đầu tư.

Các giao dịch M&A thông thường thông qua nhiều quá trình đám phán, thẩm định pháp lý và đi đến ký kết Hợp Đồng M&A. Điều mong mỏi nhất của Bên Bán là nhận được tiền càng sớm càng tốt và chấm dứt giao dịch một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, Bên Mua đặc biệt là Nhà đầu tư nước ngoài luôn cẩn trọng và mong muốn thanh toán giá chuyển nhượng sau khi nắm toàn bộ các giấy tờ, tài liệu và những yêu cầu đặt ra trong giao dịch đã được Bên Bán thực hiện đầy đủ.

Theo đó, các giao dịch hiện nay, Các Nhà đầu tư nước ngoài đều vạch ra 1 lộ trình thanh toán với nhiều giai đoạn để Bên Bán từng bước thực hiện và hoàn tất các điều kiện mà Nhà đầu tư đặt ra trước khi thanh toán toàn bộ giá trị giao dịch. Lộ trình này có thể kéo dài trong vài năm tùy thuộc vào quy mô của Công ty Mục Tiêu và thỏa thuận của các bên.

Điều này tưởng chừng như rất hợp lý và đầy sức thuyết phục nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro cho Bên Mua trong trường hợp Bên Bán đã nhận đầy đủ tiền nhưng không hợp tác để thực hiện các thủ tục hành chính để ghi nhận Bên Mua là thành viên/ cổ đông mới của Công ty.

Thỏa thuận thực tế là vậy nhưng pháp luật Việt Nam lại có những quy định tạo nên sự khó khăn trong thỏa thuận này. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh Nghiệp 2020 thì Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi”, tức doanh nghiệp có sự thay đổi về vốn sẽ phải thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ và ghi nhận thành viên góp vốn/cổ đông mới của Công ty trên Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp. Điều này có nghĩa rằng, việc các Nhà đầu tư thực hiện thanh toán thành nhiều giai đoạn, thì mỗi giai đoạn Công ty Mục Tiêu phải thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ tương ứng và ghi nhận Nhà đầu tư trở thành thành viên/cổ đông mới của Công ty trong vòng 10 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư thực hiện việc thanh toán.

Như vậy, Các Nhà Đầu Tư cần hiểu rõ quy định này và có phương án thỏa thuận với các thành viên/ cổ đông Công ty mục tiêu để đẩy nhanh tiến độ giao dịch hoặc thỏa thuận chi tiết hơn về quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư sau khi sở hữu phần vốn góp/cổ phần trong Công ty Mục Tiêu nhưng giao dịch chưa kết thúc.

Ngoài ra, Nhà đầu tư nước ngoài cần chú ý đến quy định sau trong trường hợp thỏa thuận thanh toán toàn bộ giá trị giao dịch sau khi Công ty Mục Tiêu thực hiện thủ tục tại cơ quan nhà nước ghi nhận Nhà đầu tư trở thành thành viên/cổ đông công ty/chủ sở hữu sở hữu toàn bộ phần vốn góp/ cổ phần trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty mục tiêu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 và khoản 1 Điều 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi thực hiện việc thay đổi thành viên Công ty hoặc cập nhật cổ đông là Nhà đầu tư nước ngoài lên Sở kế hoạch và đầu tư thì đều phải nộp Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng.

Đối với 1 số tỉnh thành tại Việt Nam việc áp dụng quy định pháp luật tương đối khác nhau, 1 số tỉnh/ thành phố sẽ yêu cầu Công ty cung cấp Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp/ cổ phần và các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, “các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng” này không có định nghĩa rõ ràng và quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc hiểu và áp dụng của các cơ quan nhà nước tại các tỉnh/Thành phố là khác nhau.

Một số tỉnh/Thành phố sẽ yêu cầu cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng của Bên Mua đã ghi nhận việc nhận đủ toàn bộ giá trị được ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng. Một số tỉnh/Thành phố chỉ yêu cầu cung cấp Văn bản xác nhận về việc hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của Bên Mua và Bên Bán.

Do đó, thỏa thuận về việc hoàn tất việc thanh toán sau khi Bên Bán hoàn tất thủ tục hành chính để ghi nhận Bên Mua là thành viên/ cổ đông mới của Công ty có thể không phù hợp đối với 1 số giao dịch thực hiện tại các tỉnh/Thành phố mà yêu cầu cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng của Bên Mua đã ghi nhận việc nhận đủ toàn bộ giá trị được ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng.

Như vậy, việc thỏa thuận và đưa ra lộ trình thanh toán cũng nên cân nhắc đến quan điểm của cơ quan nhà nước tại Tỉnh/Thành phố nơi mà Công ty của Bên Bán đặt trụ sở, từ đó Bên Mua có thể xem xét và lựa chọn phương án thanh toán phù hợp, cân bằng lợi ích hai bên và hạn chế được rủi ro khi thực hiện giao dịch.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.