Ngày 01/01/2021, Bộ Luật Lao Động 2019 (“BLLĐ 2019”) với nhiều nội dung sửa đổi, cải cách để giảm thiểu bớt gánh nặng thủ tục hành chính đối với người sử dụng lao động cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động một cách tốt hơn, bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, quy định về học nghề, tập nghề và hợp đồng đào tạo nghề được quy định cụ thể và chi tiết hơn so với BLLĐ cũ. Tuy nhiên, một số vấn đề tranh cãi xoay quanh hợp đồng đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo của người lao động dường như vẫn chưa được giải quyết. Do đó, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến các vấn đề xoay quanh hợp đồng đào tạo cũng như vấn đề về việc hoàn trả chi phí đào tạo mà doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết loại hợp đồng này
1. Các quy định chung liên quan đến Hợp Đồng Đào Tạo
Hợp đồng đào tạo là sự giao kết về quyền và nghĩa vụ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động đang làm việc (“NLĐ”); hoặc giữa người lao động và người học nghề, người tập nghề trong trường hợp người lao động tuyển người vào đào tạo để làm việc cho mình.
Hoạt động đào tạo được doanh nghiệp thực hiện bằng kinh phí của mình hoặc kinh phí được tài trợ nhằm mục đích đào tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp mình chứ không vì mục đích sinh lời từ các hoạt động đào tạo này.
- Trường hợp 1: Ký kết hợp đồng đào tạo nghề với NLĐ
Nếu doanh nghiệp thực hiện đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề hoặc đào tạo lại cho NLĐ thì doanh nghiệp và NLĐ sẽ ký kết hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của BLLĐ 2019 với các nội dung chủ yếu phải có sau đây:
- Nghề đào tạo;
- Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
- Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
- Trách nhiệm của người lao động
- Trường hợp 2: Ký kết hợp đồng đào tạo với người học nghề, tập nghề
Doanh nghiệp có thể tuyển người vào đào tạo nghề nghiệp tại doanh nghiệp mình (còn gọi là “học nghề”) hay tuyển người vào hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp trong thời gian không quá 03 tháng (còn gọi là “tập nghề”), để đào tạo nguồn nhân lực cho mình.
Người học nghề, tập nghề được doanh nghiệp tuyển phải từ đủ 14 tuổi trở lên và có sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Đối với các doanh nghiệp tuyển người học nghề, tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì yêu cầu người học nghề, tập nghề phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Khi doanh nghiệp tuyển người vào học nghề, tập nghề thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, không được thu học phí, phải trả lương cho người học nghề, tập nghề nếu người tập nghề, học nghề có trực tiếp tham gia làm việc cho doanh nghiệp trong thời gian học nghề, tập nghề và phải ký kết hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo Dục Nghề Nghiệp với các nội dung sau đây:
- Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
- Địa điểm đào tạo;
- Thời gian hoàn thành khóa học;
- Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
- Thanh lý hợp đồng;
- Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
- Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
- Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.
- Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động với người học khi người học thỏa mãn các điều kiện theo yêu cầu của doanh nghiệp và quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo
Về việc hoàn trả chi phí đào tạo, theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Giáo Dục Nghề Nghiệp thì người tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo mà không làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Còn theo quy định của BLLĐ 2019, việc hoàn trả chi phí đào tạo được thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với NLĐ trong hợp đồng đào tạo nghề hoặc khi NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Như vậy, có thể thấy theo quy định của Luật Giáo Dục Nghề Nghiệp trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo của người học nghề, tập nghề sẽ phát sinh khi người học vi phạm thời hạn làm việc cam kết theo hợp đồng đào tạo bất kể việc chấm dứt hợp đồng là đúng luật hay trái luật. Tuy nhiên, đối với trường hợp quy định về trách hoàn trả trong BLLĐ 2019 lại phát sinh vấn đề. Cụ thể, hiện nay BLLĐ 2019 chỉ quy định NLĐ phải bồi hoàn chi phí đào tạo trong trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, còn đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật thì không có quy định về việc bồi hoàn chi phí đào tạo. Do đó, thực tiễn có nhiều trường hợp mặc dù doanh nghiệp và NLĐ có ký kết hợp đồng đào tạo nhưng lại quy định không rõ về trách nhiệm bồi hoàn, đồng thời NLĐ thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật và căn cứ vào lỗ hỏng này để trốn trách trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mức chi phí đào tạo nghề mà NLĐ phải hoàn trả cho NSDLĐ cũng là một vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, theo quy định của BLLĐ 2019 thì chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo. Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến vấn đề bồi hoàn chi phí đào tạo, các tòa án sẽ xác định mức chi phí đào tạo NLĐ phải hoàn trả cho doanh nghiệp dựa vào quy định về chi phí đào tạo nêu trên và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hóa đơn, chứng từ hợp lệ để làm bằng chứng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp không thể cung cấp đầy đủ các chứng từ hợp lệ để chứng minh cho khoản chi mà mình đã bỏ ra để đào tạo người lao động dẫn đến việc không được nhận lại đầy đủ khoản chi phí đào tạo đã chi trả cho NLĐ.
Vì vậy, khi doanh nghiệp soạn thảo và ký kết hợp đồng đào tạo với NLĐ, người học nghề hay tập nghề cần lưu ý quy định rõ về thời hạn làm việc cam kết và trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp vi phạm thời gian làm việc với bảng kê chi tiết các chi phí đào tạo dự kiến NLĐ, người học nghề, tập nghề phải hoàn trả trong trường hợp vi phạm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thu thập và lưu trữ đầy đủ các chứng từ về các khoản chi mà mình đã chi để đào tạo cho người lao động để có thể sử dụng làm bằng chứng khi xảy ra tranh chấp.