Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác nội địa tại Việt Nam

Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác nội địa tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường hội nhập với các nền kinh tế trên thế giới, do đó đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp nước ngoài và bên đối tác Việt Nam. Đặc biệt, trong số các hoạt động thương mại quốc tế thì hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế (“MBHHQT”) là hoạt động diễn ra sớm nhất, phổ biến nhất và chiếm vị trí trung tâm. Nhằm nâng cao về nhận thức cũng như kỹ năng giao kết thực hiện hợp đồng MBHHQT, bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về các vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi giao kết hợp đồng MBHHQT với doanh nghiệp Việt Nam.

1| Thế nào là hợp đồng MBHHQT?

Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên trong một giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế; các bên trực tiếp thiết lập và điều chỉnh quyền và nghĩa vụ pháp lý của bên bán và bên mua trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế cụ thể. Bên cạnh đó, theo Điều 1 Công ước Viên 1980 về hợp đồng MBHHQT (“CISG”) mà Việt Nam là thành viên thì yếu tố xác định tính quốc tế trong Hợp đồng MBHHQT chỉ dựa trên một tiêu chí là “trụ sở thương mại của các bên ký kết hợp đồng nằm ở các quốc gia khác nhau”. Còn ở Việt Nam, Luật thương mại 2005 không đưa ra một định nghĩa cụ thể cho khái niệm hợp đồng MBHHQT mà luật chỉ liệt kê những hoạt động thương mại được coi là mua bán hàng hóa quốc tế. Theo đó, Điều 27 Luật thương mại 2005 quy định mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu.

2| Các vấn đề cần lưu ý trong giao kết hợp đồng MBHHQT

2.1  Hình thức hợp đồng MBHHQT 

Hình thức của hợp đồng MBHHQT là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý. Khi nhắc đến hình thức của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thường có hai quan điểm như sau:

  • Quan điểm thứ nhất: Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có thể được ký kết bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi hay bằng bất kỳ hình thức nào khác do các bên tự do thoả thuận.
  • Quan điểm thứ hai: Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế phải được ký kết dưới hình thức văn bản.

Công ước Viên 1980 tôn trọng nguyên tắc tự do hợp đồng của các bên tham gia giao kết hợp đồng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 11 của Công ước CISG quy định rằng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được ký kết dưới các hình thức bằng văn bản, lời nói và không cần thiết phải tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào khác về mặt hình thức của hợp đồng. Tuy nhiên, CISG một mặt thừa nhận mọi hình thức của hợp đồng, mặt khác cho phép các quốc gia thành viên bảo lưu nếu pháp luật quốc gia đó quy định hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản. Việt Nam khi tham gia Công ước Viên năm 1980 đã áp dụng Điều 96 và tuyên bố bảo lưu Điều 11 tại Công ước Viên này.

Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Theo quy định khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại 2005: “Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng các hình thức có giá trị pháp lý tương đương”. Vậy hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bắt buộc phải được lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (Điều 3 khoản 15 Luật Thương mại 2005).

Do đó, lời khuyên cho các doanh nghiệp nước ngoài là mọi hợp đồng mua bán ký với các đối tác Việt Nam phải được lập bằng văn bản. Ngoài ra, việc ký bằng văn bản sẽ giúp các bên có được bằng chứng rõ ràng khi phải thực hiện các thủ tục tố tụng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh.

Chủ thể giao kết hợp đồng

Chủ thể ký kết một hợp đồng MBHHQT có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tuy nhiên, tư cách chủ thể của các đối tượng này sẽ không tuân theo luật điều chỉnh hợp đồng, mà tuân theo luật của nước mà cá nhân/pháp nhân mang quốc tịch. Vì vậy, khi ký kết hợp đồng MBHHQT, doanh nghiệp nước ngoài cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của các bên. Nếu một bên không có tư cách chủ thể, có khả năng hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

2.3  Xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng

Một vấn đề quan trọng cần lưu ý để hợp đồng không bị vô hiệu là xác định cá nhân/pháp nhân đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không. Theo đó, một cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác giao kết hợp đồng MBHHQT và một pháp nhân có thể thông qua người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền của pháp nhân đó thực hiện hành vi ký kết hợp đồng.

Theo pháp luật Việt Nam, người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện hành vi này thông qua giấy ủy quyền hoặc Điều lệ công ty có quy định (Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Do đó, khi giao kết hợp đồng MBHHQT, doanh nghiệp nước ngoài nên yêu cầu bên đối tác Việt Nam cung cấp các giấy tờ như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản ủy quyền để xác định người có thẩm quyền ký kết hợp đồng và tránh trường hợp hợp đồng bị vô hiệu.

2.4  Một số nội dung cơ bản của hợp đồng MBHHQT cần lưu ý

Nội dung của hợp đồng MBHHQT là sự thể hiện thỏa thuận ý chí tự nguyện của các chủ thể, nhằm quy định các quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau và được ghi nhận tại các điều khoản trong hợp đồng. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài cần phải lưu ý đến một số nội dung điển hình như các điều khoản thanh toán (thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, chứng từ thanh toán), điều khoản về giao hàng và một số điều khoản về pháp lý (phạt và bồi thường thiệt hai, giải quyết tranh chấp, luật áp dụng)… từ khâu soạn thảo hợp đồng đến khi ký kết nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên để phân tích cụ thể và làm rõ một số nội dung cơ bản cần lưu ý trong hợp đồng MBHHQT, Apolat Legal sẽ tiếp tục cập nhật trong bài viết tiếp theo tại Kỳ 2.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản mà doanh nghiệp nước ngoài cần lưu ý khi tham gia hợp đồng MBHHQT với đối tác Việt Nam, vì thế các doanh nghiệp nước ngoài nên lưu ý.

Xem thêm: Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi giao kết hợp đồng đại lý độc quyền.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.