Luật Viễn thông ban hành từ năm 2009 đến nay đã được 13 năm và đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Do đó, Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp Quốc hội vào tháng 5/2023 và trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10/2023. Trong bản dự thảo, nền tảng cloud được coi là hạ tầng số của nền kinh tế. Quan điểm của Ban soạn thảo Luật Viễn thông lần này là thúc đẩy phát triển Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, quản lý về bảo vệ dữ liệu theo thông lệ quốc tế. Nhà nước dự định sẽ có những chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu đạt chuẩn, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Các quy định áp dụng cho tất cả doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây cho người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu là hoạt động thiết lập trung tâm dữ liệu để cung cấp các dịch vụ nhằm mục đích thương mại. Kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây là hoạt động sử dụng hạ tầng để cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây cho công chúng nhằm mục đích sinh lợi.
Về phân loại, dịch vụ trung tâm dữ liệu gồm: cho thuê chỗ tại trung tâm dữ liệu, cho thuê máy chủ và cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu. Dịch vụ điện toán đám mây bao gồm: cung cấp tài nguyên máy chủ; cung cấp khả năng tạo dựng, phát triển, quản lý, vận hành phần mềm; và cung cấp phần mềm. Để kinh doanh các loại dịch vụ này, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 74, cụ thể: tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác trung tâm dữ liệu; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; bảo vệ dữ liệu của người sử dụng; công bố công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp, mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm tối thiểu các nội dung theo quy định khi ký kết Thỏa thuận cung cấp dịch vụ; không hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép, ngăn chặn các doanh nghiệp khác; không hạn chế hoặc không cung cấp dịch vụ cho người sử dụng với lý do không chính đáng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu trữ các dữ liệu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật có liên quan, có phương án kỹ thuật để bảo đảm thông tin của người sử dụng trong quá trình xử lý, lưu trữ dữ liệu, và không tiết lộ thông tin của ngưởi sử dụng cho bất kỳ bên nào khác khi chưa được sự đồng ý. Khi chấm dứt Thỏa thuận, doanh nghiệp hoàn trả dữ liệu cho ngưởi sử dụng hoặc chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba nếu có yêu cầu từ người sử dụng hoặc xóa bỏ thông tin.
Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi phát hiện các hoạt động lợi dụng dịch vụ để thực hiện hành phạm pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp buộc gỡ bỏ những thông tin vi phạm quyền riêng tư, bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, … khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.