Đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam có còn hấp dẫn?

Đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam có còn hấp dẫn?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến nền kinh tế Việt Nam mà còn trong phạm vi toàn cầu, rất nhiều nhà đầu tư ngoại đã bày tỏ lo lắng rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư dài hạn của họ vào các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời.

Vậy bên cạnh yếu tố khách quan nêu trên, các nhà đầu tư ngoại còn đang và sẽ gặp phải những rào cản và trở ngại nào khác đến quyết định đầu tư của họ? Và liệu rằng năng lượng mặt trời có còn tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn ngoại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và tạo động lực phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

>> Xem thêm: Cơ chế mới khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Từ rào cản chính sách và thủ tục hành chính

Có thể thấy đầu tư vào một dự án năng lượng mặt trời là một thách thức tính kiên nhẫn của các nhà đầu tư khi phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như: (i) về đầu tư và doanh nghiệp, xin văn bản chấp thuận về giới thiệu địa điểm đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố tại địa phương, xin quyết định phê duyệt, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án; (ii) về quy hoạch, xin chấp thuận của Bộ Công Thương phê duyệt đưa dự án vào quy hoạch bổ sung về năng lượng mặt trời, kế hoạch tổng thể của tỉnh/thành phố; (iii) về đấu nối điện, thỏa thuận cho việc đấu nối điện từ nhà máy điện với lưới truyền tải điện 110 KV lên hệ thống điện 110kV/220 kV, bao gồm phê duyệt thiết kế kỹ thuật của trạm phụ và hệ thống kết nối, phê duyệt hệ thống thu thập số liệu để phục vụ việc giám sát, điều khiển và vận hành hệ thống điện (SCADA) và hệ thống đo sáng, thỏa thuận chấp thuận việc mua điện cho dự án và hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); (iv) về đất đai, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xin Quyết định thuê đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án; (v) và hàng loạt các giấy phép con, phê duyệt khác, tùy từng dự án cụ thể như phê duyệt/chứng nhận về báo cáo phòng cháy và chữa cháy, báo cáo đánh giá môi trường, giấy phép xây dựng, chứng nhận về An toàn bom mìn của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, giấy phép hoạt động điện lực,…  

Để hoàn tất các dự án trên, nhanh nhất thì nhà đầu tư cũng phải mất 1-2 năm, thậm chí nhiều trường hợp mất khoảng 3 – 5 năm để dự án của họ kết nối trên thực tế được với mạng lưới điện của EVN. Chính những rào cản về thủ tục hành chính này đã khiến không ít nhà đầu tư ngoại chần chừ và bối rối khi cân nhắc quyết định Việt Nam là điểm điến của mình để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.

Đến tìm kiếm quỹ đất phù hợp

Đầu tư điện mặt trời yêu cầu quỹ đất lớn của địa phương. Thông thường, với kỹ thuật và thiết bị lắp đặt hiện nay, nhà đầu tư tìm kiếm quỹ đất của một dự án cần tối thiểu từ 20ha đến 100ha. Với sức nóng của các dự án điện mặt trời đăng ký và đang chờ xét duyệt được Chính Phủ và Bộ Công Thương đánh giá “quá tải” hay “vỡ quy hoạch” trong thời gian vừa qua, để nhà đầu tư ngoại tìm cho mình một khu vực mới vừa phù hợp quy hoạch, vừa đáp ứng nhu cầu diện tích đất và vừa có tiềm năng phát điện năng lượng mặt trời thực sự là một bài toán vô cùng hóc búa.

Giá mua điện còn đủ hấp dẫn?

Tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, theo đó: “Chính phủ tiếp tục quan tâm phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời có tiềm năng khá lớn ở nước ta. Tuy nhiên, cần phải tính toán cơ cấu các loại nguồn điện một cách khoa học và bài bản; phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin – cho.” Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất về cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời đối với các dự án mới.

Vẫn còn nhiều lo lắng đối với cơ chế mới nêu trên của Chính Phủ trong khi chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Chính Phủ và Bộ Công Thương khi mà hiện chưa có bất kỳ quy định nào để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư để yên tâm đầu tư khi phải bỏ ra khoản đầu tư lớn ban đầu, thời gian hoàn vốn dài trong khi sản phẩm kinh doanh đầu ra là giá bán điện vẫn chưa rõ ràng và cụ thể về mặt cơ chế, chính sách.

Ngoài ra, EVN và các đơn vị thành viên là đơn vị vận hành của tất cả các hệ thống truyền tải điện ở Việt Nam, do đó, EVN cũng là đơn vị mua điện duy nhất. Khi đàm phán và ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, Nhà đầu tư dự án có thể phải đối mặt với một số bất lợi vì trong trường hợp EVN và Nhà đầu tư không thể đồng ý với nhau các điều kiện trong PPA, sẽ không có người mua nào khác cho sản phẩm của Dự án. Mặt khác, pháp luật cũng chưa quy định bất kỳ biện pháp bảo vệ nào cho vốn đầu tư của các nhà đầu tư, các khoản nợ tồn đọng trong trường hợp chấm dứt PPA. 

Nhìn chung, với những khó khăn và rào cản nêu trên cũng đã khiến không ít nhà đầu tư nản lòng khi quyết định rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với mức giá mua điện vẫn đang ở mức hấp dẫn so với các nước trong khu vực, cải tiến kỹ thuật, phát triển vật liệu mới làm cho chi phí đầu tư và tài chính, chi phí lao động cho các dự án điện mặt trời đang ngày càng cạnh tranh. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở rộng công suất lắp đặt điện năng lượng mặt trời lên 12GW vào năm 2030 theo Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo quốc gia, đồng thời, như đề cập ở trên, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong quá trình hoàn thiện và phê duyệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, tiềm năng phát triển và ưu thế của ngành năng lượng sạch Việt Nam, trong đó có điện mặt trời và điện gió vẫn còn dư địa và hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư ngoại tìm đến.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.