Áp lực từ cuộc chiến chống lại vi-rút Corona (nCov) vẫn đang gia tăng. Chính phủ các nước, bao gồm Việt Nam, đang nỗ lực tối đa để kiêm soát hoạt động ở nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do sự lây lan của vi-rút. Như thường lệ, thông tin, là một trong những thách thức đối với cả chính phủ và xã hội khi mà nhiều thông tin sai sự thật được lan truyền trên rộng rãi trên Internet. May mắn là vẫn chưa có bất kỳ thiệt hại nặng nề nào do các thông tin thất thiệt đó gây ra. Tuy nhiên, bất kể là cố hay không, cách mà mọi người đăng tải và chia sẻ thông tin giả trên các trang mạng xã hội vẫn là mội mối lo cần được lưu tâm một cách nghiêm túc.
Quay ngược lại thời điểm giữa năm 2018, khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng, đã có rất nhiều cuộc tranh luận ở khắp nơi bày tỏ mối lo vền vấn đề quyền tự do ngôn luận. Những người phản đối tin rằng quy định của nó sẽ vi phạm quyền tự do truyền đạt thông tin của mọi người. Tuy nhiên, kể từ khi luật được áp dụng, người dùng internet vẫn hoàn toàn có thể đăng tải và chia sẻ thông tin một cách bình thường trên Facebook. Không có bất kỳ kịch bản tồi tệ nào xảy ra như những người phản đối đã dự đoán. Thực tế, cơ quan chức năng chỉ mới làm mạnh tay khi gần đây một số người phát tán thông tin sai về tình hình dịch bệnh, làm ảnh hưởng công tác chốn dịch của cả nước.
Trên thực tế, một số người cho rằng điều nguy hiểm nhất không phải là cách thức quản lý an ninh mạng của chính phủ, mà là cách một số người hiểu về bản chất của quyền tự do ngôn luận. Từ “tự do” trong thuật ngữ này có vẻ đã bị hiểu sai về mức độ thành tự do không có giới hạn, và những người có tư tưởng đó cho phép bản thân nói bất kỳ điều gì họ muốn mà không cần biết về tác động tiêu cực mà lời nói đó có thể gây ra cho cộng đồng của mình. Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người thừa nhận rằng “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.”[1]. Rõ ràng, việc chỉ dẫn chiếu đến điều này sẽ khiến mọi người hiểu rằng không có bất kỳ một giới hạn nào đối với quyền này. Theo đó, hậu quả là mọi người có xu hướng đưa ra bất kỳ nhận định hoặc chia sẻ bất kỳ bài viết nào họ muốn mà thường rất ít khi cân nhắc cẩn thận về độ tin cậy của thông tin đó.
Thực ra, Điều 19 nêu trên chỉ là một nguyên tắc chung được các quốc gia thừa nhận vô điều kiện và thành viên của Liên Hợp Quốc phải đảm bảo thực thi quyền này trong lãnh thổ của mình. Liên Hợp Quốc chỉ để mở quy định trên để các quốc gia tự điều chỉnh và áp dụng cho phù hợp với bối cảnh tại quốc gia mình. Trên thực tế, các quốc gia khi áp dụng quy tắc này vẫn luân đặt ra các loại trừ. Tùy thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia và độ quan trọng của thông tin, các quy định loại trừ được đặt ra nhằm bảo vệ bí mật liên quan đến quốc phòng, thông tin chính trị nhạy cảm, sức khỏe cộng đồng, an ninh và trật tự, v.v. Trong những trường hợp đó, mọi người buộc phải bị hạn chế và ngăn thực hiện quyền tự do trình bày suy nghĩ, quan điểm, ý kiến hoặc bất kỳ đánh giá nào.
Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, bản Sửa đổi Hiến chương lần thứ Nhất của nước này đặt ra sáu hạn chế đối với vấn đề tự do ngôn luận, bao gồm: thông tin có tính chất kích động bạo lực, đả kích, khiêu dâm, xúc phạm danh dự nhân phẩm, quảng cáo thương mại sai sự thật, và các trường hợp phải giới hạn quyền tự do ngôn luận vì các lợi ích cần thiết hơn. Hoặc theo Điều 10(2) trong Hiệp định Châu Âu về quyền con người “Vì quyền lợi phải đi cùng với nghĩa vụ và trách nhiệm, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận trong một số trường hợp có thể phải tuân thủ các hình thức, điều kiện, hạn chế hoặc hình phạt do luật quy định và quan trọng đối với một xã hội dân chủ, an ninh quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc an toàn cho cộng đồng, để ngăn chặn sự suy đồi hoặc tội phạm, để bảo vệ sức khỏe và đạo đức, để bảo vệ danh tiếng hoặc quyền lợi của người khác, để ngăn chặn việc tiết lộ thông tin được xem là bảo mật, hoặc để duy trì quyền lực và sự khách quan của nền tài phán.”
So với pháp luật Việt Nam, các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận nhìn chung là tương tự với Hoa Kỳ và Châu Âu. Các nhà làm luật của Việt Nam hướng tới việc loại bỏ các thông tin vi phạm quyền hợp pháp của người khác và lợi ích Quốc gia. Bất kỳ tuyên bố nào nhằm tiết lộ thông tin mật của quốc gia, bí mật cá nhân, hoặc kích động chiến tranh, bạo loạn, hoặc để xỉ nhục, xúc phạm cá nhân và tổ chức khác, hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho người tiên dùng, lợi ích cộng đồng, phải bị ngăn cản quyết liệt. Hình thức xử lý đối với các vi phạm như trên cũng đa dạng tùy vào mức độ vi phạm, từ phạt vi phạm hành chính đến việc bồi thường thiệt hại hoặc xử lý hình sự, phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của từng vụ cụ thể. Ví dụ, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm trên internet bị phạt từ 20,000,000 đến 30,000,000 Việt Nam Đồng.[2] Người bị xúc phạm cũng có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại.[3] Xa hơn, việc sử dụng internet hoặc công nghệ để phạm tội có thể bị kết án lên đên 03 năm tù, và nếu hành vi ấy làm nạn nhân tự sát, thì người vi phạm có thể bị kết án lên đến 07 năm tù.[4]
Cũng cần thừa nhận rằng, thực tế của việc đánh giá một bài viết hay lời nói có rơi vào trường hợp loại trừ hay không thường khó hơn so với tưởng tượng, kể cả với các quốc gia có nền tư pháp phát triên như Hoa Kỳ hoặc các nước châu Âu. Điều này là vì không có bất kỳ định nghĩa thống nhất hay một đơn vị đo lường nào để xác định một tình huống có được bảo vệ quyền tự ngôn luận hay không. Việc đánh giá và ra quyết định sẽ do cơ quan tài phán đánh giá trên cơ sở các sự thật, bằng chính và ngữ cảnh của từng vụ việc cụ thể. Do đó, điều này đòi hỏi thẩm phán và các các bộ tư pháp phải có khả năng phân tích và lập luận để đưa ra kết luận hợp lý.
Cuối cùng, lần tới khi đăng tải hay truyền đạt bất kỳ thông tin quan trọng nào có ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm, quyền hợp pháp của người khác, đến sức khỏe và sự an toàn của toàn xã hội, và đến lợi ích chung của quốc gia, xin hãy nhớ thành ngữ “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.
[1] Bản dịch của Thư Viện Pháp Luật: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948/65774/noi-dung.aspx
[2] Điều 64.3 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
[3] Điều 32.3 Bộ luật Dân sự 2015.
[4] Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015