1. Sự khởi đầu của dịch vụ gọi xe tại Việt Nam
Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên đón nhận hình thức kinh doanh đột phá mới với sự xuất hiện của một loại hình “gọi taxi” hoàn toàn mới, cụ thể là ứng dụng gọi xe Grab và Uber. Vào thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam không thể kiểm soát và quản lý mô hình kinh doanh hoàn toàn mới này. Do thiếu đi khung pháp lý, điều này đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ứng dụng gọi xe và các doanh nghiệp taxi truyền thống. Tuy nhiên, Chính phủ không thể bỏ qua những lợi ích kinh tế đáng kể từ thị trường dịch vụ gọi xe. Vì vậy, Bộ Giao Thông Vận Tải đã thận trọng phê duyệt dự án thí điểm cho các ứng dụng gọi xe theo Quyết định số 24 vào năm 2015 để xác định Chính phủ nên tương tác với các ứng dụng gọi xe như thế nào, các loại thuế và cách áp dụng thuế đối với các ứng dụng gọi xe sau khi kết thúc thời gian thí điểm.
Sau khi kết thúc chương trình thí điểm gọi xe, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã và đang đưa ra các chính sách cũng như quy định để thu hẹp các lợi thế cạnh tranh của các ứng dụng gọi xe với taxi truyền thống.
2. Hành lang pháp lý mới cho các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam
Vào 17/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới (“Nghị định 10”) có hiệu lực vào 01/04/2020 nhằm tạo ra sân chơi chính thức cho các ứng dụng gọi xe. Nghị định 10 là sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm theo kịp thực tiễn sau 04 năm triển khai dự án thí điểm ứng dụng gọi xe. Thực hiện theo Nghị định 10, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định 146 hướng dẫn các đối tượng điều chỉnh thuộc dự án thí điểm về việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với Nghị định mới. Theo đó, Nghị định 10 phân loại các tổ chức kinh doanh dịch vụ gọi xe ô tô thành hai loại hình chính như sau:
- Đơn vị kinh doanh vận tải;
- Đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải (“Đơn vị phần mềm vận tải”
(say đây gọi chung là “Các Công ty gọi xe”).
Công ty công nghệ cung cấp ứng dụng gọi xe sẽ được xem là Đơn vị Phần mềm Vận Tải, với điều kiện công ty đó không trực tiếp điều hành phương tiện hoặc lái xe và không quyết định chi phí vận tải. Để tránh nhầm lẫn, Bộ Giao Thông Vận Tải đã ban hành thông tư 12 hướng dẫn làm rõ hai yếu tố cấu thành nêu trên của Đơn vị Phần mềm Vận tải, cụ thể như sau:
- Không trực tiếp điều hành phương tiện hoặc tài xế. Nghị định 10 định nghĩa cụm từ “Trực tiếp điều hành phương tiện hoặc tài xế” là việc tổ chức hoặc cá nhân giao nhiệm vụ vận chuyển cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển hành khách, hàng hoá thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc Lệnh vận chuyển hoặc Hợp đồng vận chuyển hoặc Giấy vận tải (Giấy vận chuyển). Để làm rõ hơn, Thông tư 12 đã giải thích cụm từ “Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải” là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.
Do đó, quá trình của việc điều hành phương tiện hoặc lái xe sẽ bao gồm các yếu tố chính sau đây:
- Nhận yêu cầu vận chuyển từ hành khách;
- Phân tích yêu cầu vận chuyển để lựa chọn phương tiện và tài xế phù hợp với yêu cầu đó của hành khách; và
- Cung cấp thông tin về yêu cầu vận chuyển cho tài xế phù hợp để thực hiện yêu cầu đó.
Theo đó, Đơn vị Phần mềm Vận tải sẽ không được chọn tài xế hoặc phương tiện cho Hành khách.
- Quyết định giá cước vận tải: Thông tư 12 định nghĩa cụm từ “Quyết định giá cước vận tải” là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.
Điều này có nghĩa là Đơn vị Phần mềm Vận tải theo Nghị định 10 sẽ không được phép quyết định một mức giá cố định cho Hành khách hoặc thậm chí không được phép đề xuất một mức giá vận chuyển cho Hành khách vì điều này có thể được xem là đang thỏa thuận trực tiếp với Khách hàng để đạt được một hợp đồng vận chuyển. Quyền cũng như nghĩa vụ quyết định giá cước vận tải thuộc về Đơn vị Kinh doanh Vận tải (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô). Ngược lại, Đơn vị Phần mềm Vận tải có nghĩa vụ cung cấp cho Đơn vị Kinh doanh Vận tải giao diện phần mềm cũng như các cách thức để trao đổi, thỏa thuận và quyết định giá cước vận tải với Hành khách.
Tóm lại, một công ty công nghệ cung cấp phần mềm gọi xe sẽ được xem là Đơn vị Phần mềm Vận tải theo Nghị định 10 chỉ khi đáp ứng được 02 điều kiện nói trên.
3. Những vấn đề còn đang tranh cãi
Việc ban hành Nghị định 10 dường như được xem là một sân chơi rõ ràng cho dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, tuy nhiên vấn đề tranh cãi lớn nhất vẫn chưa được giải quyết. Đó là khung pháp lý cho các tài xế xe máy và xe máy kinh doanh vận tải. Mặc cho sự thật rằng số lượng tài xế xe máy kinh doanh vận tải cao hơn rất nhiều so với xe ô tô, các quy định về tài xế xe máy kinh doanh vận tải vẫn còn là quá ít và không rõ ràng để có thể áp dụng đầy đủ và hiệu quả vào thực tiễn.
Cho đến nay, Thông tư 08 là khung pháp lý duy nhất điều chỉnh về các tài xế xe máy và xe máy kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Thông tư 08 đã được ban hành 11 năm trước và kết hợp với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ, Thông tư này có thể sẽ không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hiện nay, các tài xế xe máy vẫn đang hợp tác với các công ty công nghệ cung cấp ứng dụng gọi xe theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
4. Điều gì tiếp theo cho dịch vụ gọi xe tại Việt Nam?
Với sự ban hành liên tục những quy định về dịch vụ gọi xe trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam dường như đã cho thấy quyết định về cách mà Chính phủ muốn “đối xử” với các công ty gọi xe hiện nay tại Việt Nam như là những Đơn vị Kinh doanh Vận tải hơn là những công ty công nghệ.
Để đáp lại mối quan tâm của Chính phủ và dư luận về vấn đề này, Bộ Giao Thông Vận Tải đã thông báo rằng hành lang pháp lý cho tài xế xe máy đang được xây dựng. Cho đến nay, câu hỏi về mối quan hệ giữa các công ty gọi xe và các tài xế xe máy vẫn chưa có câu trả lời. Liệu rằng Chính phủ sẽ nhìn nhận tài xế xe máy như cách nhìn nhận tài xế xe ô tô là người lao động của các Đơn vị Kinh doanh Vận tải? Hay liệu rằng Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm về tài xế xe máy như là một đối tác của các công ty công nghệ cung cấp ứng dụng gọi xe theo hợp đồng hợp tác kinh doanh như bấy giờ?
Xem thêm: Ngành nghề nào cho các công ty công nghệ cung cấp ứng dụng gọi xe? (phần 2).