Các Vấn Đề Cần Lưu Ý Khi Lập Di Chúc

Các Vấn Đề Cần Lưu Ý Khi Lập Di Chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, trước khi lập di chúc, người lập di chúc cần cân nhắc đến tính hiệu lực của di chúc để sau khi qua đời, phần nội dung di chúc được thực thi theo đúng với ý nguyện mà mình đã để lại.

Các vấn đề cần lưu ý trước khi lập di chúc gồm:

1. Quyền của người lập di chúc:

  • Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
  • Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
  • Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
  • Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
  • Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

2. Nội dung di chúc:

Di chúc được lập thành văn bản cần có các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản;

Ngoài các nội dung này, di chúc có thể có các nội dung khác.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Việc lập di chúc tưởng chừng đơn giản nhưng vấn đề thực thi cũng là một vấn đề nan giải nếu di chúc không thể hiện rõ nội dung cụ thể nêu trên. Trường hợp, tài sản để lại không ghi nhận cụ thể mà chỉ ghi nhận chung chung dẫn đến những người có tên trong di chúc khó áp dụng và dẫn đến mâu thuẫn và tranh chấp.

Chính vì thế người lập di chúc nên ghi nhận cụ thể thông tin từng loại tài sản, người được hưởng thừa kế. Đặc biệt đối với những người sở hữu một lượng lớn tài sản gồm bất động sản đã đăng ký quyền sở hữu, bất động sản chưa đăng ký quyền sở hữu, động sản.

3. Hình thức di chúc:

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

a. Di chúc bằng văn bản bao gồm:

  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
  • Di chúc bằng văn bản có công chứng.
  • Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

b. Di chúc bằng miệng:

  • Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
  • Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
  • Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

4. Hiệu lực của Di chúc:

Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế – tức người có tài sản chết. Tuy nhiên, Di chúc sẽ không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu thuộc các trường hợp sau đây:

a. Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b. Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

c. Di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu một người để lại nhiều bản di chúc cho từng tài sản thì các bản di chúc đều có hiệu lực.

Đối với phần tài sản thuộc phần nội dung di chúc không có hiệu lực hoặc không có hiệu lực toàn bộ thì phần tài sản đó sẽ được thừa kế theo pháp luật.

Bên cạnh đó, các đối tượng sau vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Trên đây là những nội dung cơ bản khi lập di chúc mà người để lại di sản cần cân nhắc và hiểu rõ để tránh sau khi người để lại tài sản qua đời nhưng tài sản không được phân chia theo đúng ý nguyện của mình.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.