07 lưu ý cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án sản xuất tại Việt Nam

07 lưu ý cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án sản xuất tại Việt Nam

Hiện nay, số lượng Nhà Đầu Tư Nước Ngoài (“Nhà Đầu Tư”) lựa chọn Việt Nam làm điểm đến lý tưởng để thực hiện các hoạt động kinh doanh ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, Chính Phủ Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm mục đích thu hút và kêu gọi nhiều Nhà Đầu Tư đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo việc làm, tăng mức sống, thu nhập cho nhiều người lao động.

Việc đầu tư một dự án đến một đất nước xa lạ và chưa hề có sự tìm hiểu kỹ càng sẽ làm cho Nhà Đầu Tư e ngại và lo lắng khi đưa ra quyết định đầu tư. Đặc biệt đối với các dự án Sản xuất cần đầu tư rất nhiều vốn mới có thể vận hành dự án, Nhà Đầu Tư cần có kế hoạch rõ ràng cũng như hiểu rõ quy định pháp luật Việt Nam trước khi đầu tư.

Bài viết này sẽ giúp Nhà Đầu Tư có cái nhìn tổng quan đối với những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện dự án sản xuất tại Việt Nam.

Thứ nhất: Địa điểm Sản Xuất

Địa điểm sản xuất là một vấn đề quan trọng mà Nhà Đầu Tư cần tìm kiếm và lựa chọn đầu tiên để từ đó kiểm tra về các chính sách ưu đãi cũng như những hạn chế khi thực hiện dự án.

Địa điểm sản xuất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch môi trường của tỉnh/thành phố. Doanh nghiệp không được hoạt động sản xuất tại khu dân cư tập trung, khu vực nội thành mà chỉ được đặt tại các vùng lân cận, xa khu dân cư, khu vực được UBND quy hoạch sản xuất như Khu Công Nghiệp. Hiện nay, tại các tỉnh/thành phố đều có nhiều Khu Công Nghiệp được quyền hoạt động sản xuất, Nhà Đầu Tư có thể liên hệ các Khu Công Nghiệp tại các tỉnh/thành phố nơi Nhà Đầu Tư dự kiến đặt địa điểm hoạt động sản xuất để khảo sát, đánh giá. Trong trường hợp, Nhà Đầu Tư mong muốn đặt nhà máy sản xuất tại địa điểm bên ngoài Khu Công Nghiệp, nhưng xa khu dân cư thì khi xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư, cơ quan cấp phép sẽ hỏi ý kiến của UBND cấp tỉnh/thành phố để kiểm tra về vấn đề quy hoạch và phê duyệt dự án.

Bên cạnh đó, đối với các dự án lớn sử dụng diện tích đất lớn từ 50ha trở lên có thể phải xin chấp thuận của Chính Phủ hoặc Quốc Hội trước khi được cấp phép. Điều này cũng cho thấy rằng, Nhà Đầu Tư cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật và các thủ tục bắt buộc khi quyết định đầu tư vào Việt Nam để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Thứ hai: Tác động của dự án đối với phát triển kinh tế, xã hội và hiệu quả kinh tế của dự án

Tiêu chí này cũng không kém phần quan trọng, Nhà Đầu Tư cần chứng minh cho cơ quan cấp phép nhận thấy những tác động quan trọng do dự án mang lại và có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của ngành, của khu vực hay không. Cụ thể:

  • Kinh nghiệm, chất lượng sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn nguyên liệu, khả năng tác động đến môi trường bên ngoài và những công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. 
  • Nhu cầu sử dụng lao động địa phương;
  • Doanh thu, lợi nhuận dự kiến và các khoản thuế sẽ nộp vào ngân sách nhà nước ít nhất 3 năm kể từ thời điểm dự án đi vào hoạt động.

Từ đó, Cơ quan cấp phép hiểu rõ được năng lực và hiệu quả của dự án mang lại.

Thứ ba: Ưu đãi đầu tư

Bên cạnh đó, để thu hút Nhà Đầu Tư thực hiện dự án tại các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc ngành nghề nhà nước khuyến khích đầu tư, Chính Phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi như sau:

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được ưu đãi đầu tư: 

Nhà Đầu Tư có thể tham khảo thêm trong Phụ Lục III – Danh Mục Địa Bàn Ưu Đãi Đầu Tư (Kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ) 

Các ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư gồm:

  • Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
  • Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
  • Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu;
  • Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
  • Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;
  • Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học;
  • Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;
  • Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị;
  • Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học;
  • Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế;
  • Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  • Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa;
  • Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
  • Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Thứ tư: Quy mô đầu tư

Tiêu chí này thể hiện qua diện tích đất, diện tích xây dựng của dự án. Số lượng, khối lượng sản phẩm dự kiến sản xuất trong năm. Đây là tiêu chi bắt buộc cần được giải trình khi thực hiện xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án và sẽ được ghi nhận cụ thể trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án. Trong trường hợp Nhà Đầu Tư không hoạt động đúng như quy mô đã đăng ký hoặc vượt quá quy mô đã đăng ký thì phải thực hiện đăng ký điều chỉnh quy mô đầu tư với cơ quan cấp phép.

Thứ năm: Tiến độ thực hiện dự án

Tiến độ thực hiện dự án cũng là một điều kiện quan trọng mà cơ quan cấp phép quan tâm khi xem xét phê duyệt dự án đầu tư. Nhà Đầu Tư cần có lộ trình thực hiện dự án, từ thời điểm chuẩn bị dự án, góp vốn và đi vào hoạt động. Cụ thể, Nhà Đầu Tư cần có lộ trình cơ bản như sau:

Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;

Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành hoặc khai thác vận hành:

  • Thời gian hoàn thành việc xin Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư;
  • Thời gian hoàn thành việc thực hiện Đánh giá tác động môi trường, phóng cháy chữa cháy và Giấy phép xây dựng;
  • Thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng;
  • Thời gian hoàn thành việc xây dựng dự án;
  • Thời gian hoàn thành việc mua sắm lắp đặt máy móc, thiết bị, vận hành thử;
  • Thời gian đưa dự án đi vào hoạt động.

Có thể thấy, để vận hành một dự án cần trải qua nhiều giai đoạn như trên, Nhà Đầu Tư cần xác định cụ thể về các mốc thời gian hoàn thành từng giai đoạn và đăng ký với cơ quan cấp phép.

Thứ sáu: Vốn đầu tư và khả năng huy động vốn

Vốn là yếu tố thể hiện năng lực Nhà Đầu Tư có phù hợp với quy mô dự án mà Nhà Đầu Tư xin cấp phép hay không. Vốn đầu tư bao gồm Vốn thực góp của Nhà Đầu Tư và vốn huy động. Nhà Đầu Tư phải góp đủ mức vốn trong khoảng thời gian mà Nhà Đầu Tư cam kết góp. Nhà Đầu Tư cần phải chứng minh được khả năng tài chính của mình đủ để đầu tư vào dự án cho cơ quan cấp phép, tài liệu đó có thể là Báo cáo tài chính hoặc sao kê tài khoản ngân hàng .

Đối với vốn huy động, đây là vốn mà Nhà Đầu Tư có thể vay từ các tổ chức tín dụng, các Nhà Đầu Tư cùng hợp tác thực hiện dự án hoặc từ một nguồn vốn nào khác.

Thứ bảy: Môi Trường 

Môi trường là vấn đề cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đối với các dự án sản xuất. Rất nhiều Dự án sản xuất vi phạm vấn đề này dẫn đến tác động nặng nề đến môi trường, đặc biệt nguyên nhân bởi các chất thải của các nhà máy . 

Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo vệ Môi trường 2014, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

  • Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
  • Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;
  • Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Cụ thể các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường được quy định tại Phụ Lục II Nghị định 40/2019/NĐ-CP.

Trường hợp Dự án sản xuất không thuộc trường hợp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định ở trên, Nhà Đầu Tư phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ Môi trường 2014.

Trên đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng mà Nhà Đầu Tư cần lưu ý trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. 

Tóm lại, hiện nay Chính Phủ Việt Nam đang kêu gọi nhiều Nhà đầu tư để đầu tư vào Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Chính vì thế Nhà Đầu Tư nên nắm bắt cơ hội và có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.