03 câu hỏi pháp lý tiên quyết cần cân nhắc trước khi nhận nhượng quyền thương mại từ nước ngoài về Việt Nam

1. Mô hình, sản phẩm kinh doanh có đủ điều kiện để kinh doanh tại Việt Nam hay không?

Bản chất của một giao dịch nhượng quyền thương mại sẽ bao gồm 02 thoả thuận cấp phép chính: cấp phép về mô hình kinh doanh và các cấp phép về quyền sở hữu trí tuệ gắn với hệ thống nhượng quyền.

Pháp luật của mỗi quốc gia đều khác nhau. Một mô hình kinh doanh có thể vận hành suông sẻ tại một quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, sẽ không chắc chắn cũng có đủ hành lang pháp lý để vận hành tại Việt Nam. Có thể mô hình đó có thể áp dụng tại Việt Nam nhưng thủ tục và gánh nặng pháp lý quá lớn (cần xin nhiều loại giấy phép, thực hiện nhiều báo cáo, gánh nặng thuế, lao động, …) cũng sẽ khiến rủi ro thất bại về kinh tế của mô hình lớn hơn rất nhiều.

2. Tài sản sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ hoặc có khả năng bảo hộ tại Việt Nam không?

Một thoả thuận nhượng quyền thương mại sẽ có nhiều yếu tố giống với thoả thuận cấp quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, quyền tác giả, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, …). Ngoài ra, xét về yếu tố thương mại, bên nhận nhượng quyền thường tham gia vào một hệ thống nhượng quyền bởi vì muốn tận dụng uy tín thương hiệu của hệ thống trong một lĩnh vực nhất định. Lợi thế về tài sản trí tuệ sẽ chỉ phát huy hiệu quả tốt nêú chúng được bảo hộ theo pháp luật của nước mà bên nhận nhượng quyền dự kiến hoạt động.

Do đó, nếu các tài sản sở hữu trí tuệ gắn liền với hệ thống nhượng quyền chưa được hoặc không đủ điều kiện để được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam, lợi thế thương hiệu của hệ thống sẽ khó đạt được về mặt kinh tế. Về mặt pháp lý, trong trường hợp này, bên nhận nhượng quyền còn có thể đối mặt với rủi ro về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với bên khác tại Việt Nam. Nếu bị xem là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chính bên nhận nhượng quyền là bên xâm phạm quyền và sẽ gánh chịu các rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc tổn thất về uy tín.

3. Hợp đồng nhượng quyền tổng độc quyền hay không?

Nghĩa vụ của bên nhận nhương quyền độc quyền quốc gia (nhượng quyền tổng) sẽ rất khác với một bên nhận quyền thông thường. Trong đó, ngoài các nghĩa vụ như một bên nhận quyền, bên nhận quyền tổng còn bị ràng buộc bởi một số nghĩa vụ đặc thù. Ví dụ, bên nhận quyền tổng sẽ có nghĩa vụ đào tạo bên nhận quyền thứ cấp, trách nhiệm tổ chức marketing cho hệ thống, trách nhiệm cung cấp sản phẩm, phê duyệt thiết kế, ….

Ngoài ra, một nghĩa vụ rất nặng nề của bên nhận nhượng quyền tổng là phải đạt được chỉ tiêu về số lượng cửa hàng phải mở hoặc doanh thu nhượng quyền trong phạm vi lãnh thỗ và trong một giai đoạn nhất định. Không đáp ứng được điều kiện này sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng nhượng quyền.

Do đó, nếu ý định hoặc nguồn lực kinh doanh của bên nhận nhượng quyền không thể đảm bảo các nghĩa vụ trên, bên nhận nhượng quyền cần thông báo rõ cho bên nhượng quyền hoặc đặc biệt lưu ý trong quá trình thương thảo, rà soát hợp đồng nhượng quyền.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.