
Trong quá trình làm việc và hợp tác với nhau, việc xảy ra tranh chấp, xung đột giữa các thành viên trong công ty là câu chuyện khó lòng tránh khỏi, đặc biệt là đối với những loại hình doanh nghiệp như Công ty TNHH hay Công ty cổ phần. Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp này cũng khá phức tạp trong việc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, đừng bỏ qua bài viết về vấn đề giải quyết tranh chấp thành viên công ty của Apolat Legal.
1. Quy định của pháp luật về các hình thức tranh chấp thành viên công ty
Căn cứ theo điểm b, Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các hình thức tranh chấp thành viên công ty có thể phát sinh từ:
- Giá trị phần vốn góp vào công ty của các thành viên.
- Việc chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty hoặc vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho các đối tượng không phải là thành viên trong công ty.
- Việc chuyển nhượng cổ phiếu có ghi tên và cổ phiếu không ghi tên.
- Tranh chấp về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu được phát hành và trái phiếu (nếu là công ty cổ phần), hoặc xung đột liên quan đến quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của các thành viên trong công ty.
- Xung đột về quyền được chia lợi nhuận, nghĩa vụ chịu lỗ và thanh toán nợ cho công ty.
- Tranh chấp về vấn đề thanh lý tài sản, phân chia số nợ giữa các thành viên trong công ty (nếu công ty phá sản hoặc giải thể).
- Các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, sáp nhập, giải thể, hợp nhất, chia tách hoặc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp.

2. Cơ chế, phương án giải quyết tranh chấp thành viên công ty
Bên cạnh những nguyên nhân, hình thức tranh chấp thành viên trong công ty, rất nhiều người cũng thắc mắc về cơ chế và phương án giải quyết cho những xung đột này. Dưới đây là những thông tin mà Apolat Legal đã tổng hợp được:
2.1. Cơ chế
Căn cứ theo quy định tại điểm h Khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020, cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ được xác lập dựa trên quy định trong Điều lệ công ty. Nếu có sự xung đột giữa Luật doanh nghiệp hiện hành và Điều lệ thì phải ưu tiên giải quyết theo Luật doanh nghiệp, trừ những trường hợp được cho phép tự quy định trong Luật này.
2.2. Phương án
Hiện nay, giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong công ty có thể diễn ra theo 4 phương án, bao gồm đàm phán, hòa giải, trọng tài thương mại và Tòa án. Cụ thể: Phương án đàm phán Đàm phán là hình thức giải quyết tranh chấp trong đó các bên liên quan đồng ý thương lượng, thỏa thuận để cùng nhau tìm ra phương án giải quyết tranh chấp. Đàm phán diễn ra dựa trên sự tự nguyện và thỏa thuận, thống nhất của đôi bên. Nếu thỏa thuận được xác lập thì việc giải quyết tranh chấp cũng sẽ rất dễ dàng. Ưu điểm:
- Tiết kiệm công sức, tiền bạc và thời gian.
- Quy trình đơn giản, không có nhiều thủ tục phức tạp.
- Không chịu sự can thiệp quá nhiều từ pháp luật.
Nhược điểm:
- Phụ thuộc vào sự tự nguyện và tính thiện chí của đôi bên.
- Trong trường hợp một bên không giải quyết tranh chấp, cố tình trì hoãn khiến cho thời gian đàm phán kéo dài thì tranh chấp không những không được giải quyết mà còn dẫn đến hết thời hạn được khởi kiện tại Tòa.
Phương án hòa giải
Phương án hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp trong đó có bên thứ 3 xuất hiện với vai trò làm cầu nối hòa giải. Đối tượng này cần thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để trở thành hòa giải viên, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP liên quan đến việc hòa giải thương mại. Hòa giải viên là người có vai trò trung gian, giúp các bên liên quan tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích được công bằng, cuối cùng đạt được thỏa thuận chung.
Ưu điểm:
- Tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức.
- Không có nhiều thủ tục pháp lý phức tạp.
- Đạt được thỏa thuận nhanh chóng, hiệu quả.
Nhược điểm:
- Quyết định của buổi hòa giải chưa chắc đã được thi hành.
- Một trong các bên có thể lợi dụng việc hòa giải để trì hoãn giải quyết tranh chấp, dẫn đến hết thời gian khởi kiện tại Tòa án.

Giải quyết bằng Trọng tài thương mại
Căn cứ theo Điều 39 Luật Trọng tài thương mại 2010, phương án giải quyết tranh chấp này cũng có sự xuất hiện của bên thứ 3, được gọi là Hội đồng trọng tài, với số lượng từ 1 đến nhiều trọng tài viên tùy theo sự thỏa thuận trước đó. Các bên liên quan có thể thống nhất với nhau trong việc lựa chọn trung tâm trọng tài, số lượng trọng tài viên, quy định áp dụng và địa điểm giải quyết tranh chấp.
Ưu điểm:
- Thông tin về quá trình giải quyết tranh chấp được bảo mật.
- Quyết định của trọng tài có giá trị cưỡng chế thi hành.
Nhược điểm:
- Các bên không có quyền kháng cáo tại Tòa án sau khi nhận phán quyết của Trọng tài.
- Tốn kém hơn về chi phí.
Giải quyết bằng Tòa án
Nếu sử dụng hình thức giải quyết này, thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân nhân – xét xử nhân danh quyền lực của nhà nước. Quy trình giải quyết sẽ được thực hiện thông qua 2 lần xét xử, sơ thẩm và phúc thẩm. Xét xử phúc thẩm chỉ diễn ra khi một trong các đương sự không đồng ý và kháng cáo bản án sơ thẩm. Ưu điểm:
- Phán quyết của Tòa án được đảm bảo thi hành dưới quyền lực của nhà nước.
- Các bên đương sự có thể kháng cáo nếu không đồng ý với bản án giải quyết sơ thẩm.
Nhược điểm:
- Thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian.
- Quy trình xét xử diễn ra công khai nên có thể ảnh hưởng đến uy tín các bên.

3. Trình tự giải giải quyết tranh chấp thành viên công ty
Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 và điểm a Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự, điểm b Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012, các bên đương sự có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp tỉnh để tiến hành giải quyết tranh chấp. Trong đó, hồ sơ khởi kiện sẽ bao gồm những tài liệu như sau:
- Đơn khởi kiện.
- Bản sao của chứng minh nhân thân.
- Tài liệu, giấy tờ có liên quan để chứng minh yêu cầu khởi kiện.
Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bạn có thể nộp đến Tòa án nhân dân theo một trong 3 hình thức như sau:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Tòa án.
- Nộp qua đường bưu điện.
- Gửi hồ sơ online thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Tòa án nhận được hồ sơ khởi kiện trong vòng 3 ngày sẽ phải phân công một Thẩm phán tiến hành xem xét, thẩm định tính chất hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Trong 5 ngày làm việc kể từ khi được phân công, Thẩm phán phải xem xét, thẩm định xem có đủ điều kiện để Tòa án thụ lý vụ việc hay không. Sau khi xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cần thông báo ngay cho bên nguyên đơn để đến Tòa án làm thủ tục nộp phí tạm ứng. Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp phí tạm ứng, bên nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa, đồng thời nộp biên lai thu tiền cho Tòa án. Thực hiện xong những thủ tục này, Thẩm phán sẽ được phân công thụ lý giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
4. Đơn vị quyết tranh chấp thành viên công ty uy tín
Giải quyết tranh chấp thành viên công ty có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau, tuân thủ một số quy định của pháp luật. Để quy trình giải quyết được nhanh chóng, hiệu quả, đúng ý của mình thì các doanh nghiệp nên nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư thuộc các đơn vị tư vấn pháp lý. Trong đó, Apolat Legal là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực tư vấn tranh chấp, đảm bảo sẽ mang đến cho bạn những dịch vụ hoàn hảo, chất lượng, thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận với khách hàng và phù hợp với luật pháp Việt Nam. Khi sử dụng dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp thành viên công ty của Apolat Legal, chúng tôi sẽ thay mặt khách hàng thực hiện những công việc như sau:
- Tư vấn đầy đủ những quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.
- Soạn thảo đơn từ, văn bản, chuẩn bị hồ sơ liên quan đến vấn đề tranh chấp.
- Nhận ủy quyền của khách hàng để tham gia giải quyết tranh chấp.
Có thể thấy, hình thức giải quyết tranh chấp thành viên công ty vô cùng đa dạng, và tùy vào tính chất vụ việc mà lựa chọn sao cho đúng. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì, hoặc muốn liên hệ luật sư tư vấn giải quyết các vấn đề tranh chấp, đừng quên liên hệ với Apolat Legal để được hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả.
-
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Phone: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com